Du khách đến với Lào Cai sẽ có cơ hội
khám phá thêm một "miền đất lạ" với 4 tuyến du lịch thử nghiệm đều
qua một cung đường ẩn chứa nhiều điều thú vị nối liền Bát Xát - Sa Pa dài gần
30km.
Sau một năm đưa vào khai thác các tuyến, điểm du lịch thử
nghiệm, Bát Xát đã đón gần 3.000 lượt khách đến tham quan, trong đó có khoảng
10% là khách quốc tế. Ngành "công nghiệp không khói" đầy triển vọng
vẫn chưa đem lại nguồn lợi đáng kể cho địa phương...
Khó khăn từ nhiều phía
Trên cung đường Hoàng Liên Sơn I từ Ô Quy Hồ qua các xã Bản
Khoang, Tả Giàng Phình, đến Pa Cheo, Bản Xèo (Bát Xát) xe đi êm ru trên đường
nhựa uốn lượn lưng chừng núi, thỏa sức vừa đi vừa ngắm bản làng người Mông,
người Dao, đỉnh Ngũ Chỉ Sơn sừng sững giữa mây trời... Nhưng đến xã Bản Xèo,
nhiều du khách muốn vào thăm bản San Lùng của người Dao đỏ, nơi sản xuất ra
loại rượu thóc ngon nổi tiếng cả nước, hay xuôi xuống Mường Vi thăm quần thể
hang động Mường Vi hoặc ngược lên đi chợ phiên Mường Hum, thăm bản Dao, suối
tình Dền Sáng lại ngần ngại vì đường khó đi. Đường đã xuống cấp nghiêm trọng,
sau những trận mưa trơ ra toàn đá hộc. Đi hết đoạn đường du khách đã thấm mệt,
người mỏi nhừ không còn cảm hứng mà ngắm cảnh nữa. Theo một số du khách đã từng
đến đây cho biết, chúng tôi từ Sa
Pa sang Bát Xát qua đường 155.
Bát Xát hấp dẫn lắm, nhiều điều mới lạ muốn khám phá, định lưu lại vài ngày,
nhưng tìm mãi chẳng thấy có nhà hàng, khách sạn nào lớn cả. Cả tuyến chỉ có vài
nhà nghỉ bình dân ở Bản Xèo, Mường Hum, Ý Tý với vài ba phòng thôi. Dịch vụ du
lịch cũng chưa phát triển. Không đi vào ngày chợ phiên thì muốn mua vài thứ đồ
lưu niệm bản địa cũng khó... Tiếc nhưng đành phải quay ngược lại Sa Pa
thôi...
Rõ ràng, người dân vùng cao Bát Xát tuy thân thiện, cởi mở,
mến khách, nhưng vẫn chưa mặn mà làm du lịch. Kỹ năng làm du lịch cũng thiếu.
Điều này ngẫm ra cũng không có gì khó hiểu vì du lịch với Bát Xát vẫn còn khá
mới, tuy Bát Xát quan tâm tới làm du lịch nhưng chưa thật sát sao. Quần thể
hang động Mường Vi - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đang bị bỏ ngỏ và rơi
vào quên lãng... Suối nước nóng Trịnh Tường, Ao Tiên Mường Hum thực tế rất đẹp,
vẫn còn hoang sơ, nhưng tại những điểm du lịch này chưa được đầu tư xây dựng
các dịch vụ du lịch phục vụ du khách. Bên cạnh đó, việc bảo tồn các giá trị văn
hóa dân tộc vẫn gặp nhiều khó khăn, nhiều nét văn hóa đang có nguy cơ mai một
dần...
Hướng phát triển du lịch bền vững
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát Lý Thị Vinh, Bát Xát có
nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch. Việc khai thác thử nghiệm các
điểm, tuyến du lịch trên địa bàn huyện, nhất là các tuyến du lịch qua cung
đường Hoàng Liên Sơn I là chủ trương đúng của huyện và rất được tỉnh ủng hộ.
Năm 2011, UBND huyện đã công bố quy hoạch du lịch theo hướng phát triển bền
vững, trọng tâm vào các điểm du lịch đã được tỉnh công nhận, gắn liền với bản
sắc văn hóa dân tộc, đặc trưng của đồng bào vùng cao. Những khó khăn trong phát
triển du lịch đang dần được tháo gỡ.
Hiện nay, Tỉnh lộ 158 đoạn A Mú Sung - Ý Tý - Ngải Thầu - A
Lù dài 32km đã hoàn thành việc nâng cấp, rải nhựa và đã được đưa vào sử dụng;
đoạn Bản Vược - Mương Vi - Mường Hum - Dền Sáng cũng đang khẩn trương thi công,
khi hoàn thành sẽ khép kín vòng cung Bát Xát hơn 100km, giúp giao thông thuận
tiện, tạo điều kiện cho du lịch phát triển mạnh hơn. Huyện đang tích cực kêu
gọi các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư làm du lịch. Việc quảng bá hình ảnh du
lịch Bát Xát trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được quan tâm. Phòng
Văn hóa - Thông tin đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở 2 lớp tập huấn
nghiệp vụ du lịch thôn, bản cho 70 học viên ở hai xã Mường Hum và Ý Tý. Các học
viên được sang Sa Pa thăm và học hỏi mô hình làm du lịch cộng
đồng để về áp dụng phù hợp với địa phương mình. Các xã có điểm du lịch và nằm
trong tuyến du lịch đi qua cũng đã có kế hoạch phát triển du lịch trên cơ sở
những ưu thế của mình...
Ông Bùi Xuân Tiến, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện
cho biết: Năm 2012, để kích cầu du lịch, huyện tập trung vào khôi phục, phát
triển các làng nghề thủ công truyền thống, tạo ra các sản phẩm bản địa riêng
của Bát Xát phục vụ du khách. Qua đó vừa giúp người dân làm kinh tế du lịch
hiệu quả, vừa loại bỏ dần các sản phẩm ngoại nhập trên quầy hàng du lịch ở các
chợ phiên. Bản Xèo đang từng bước khôi phục lại làng nghề làm miến dong truyền
thống; Mường Hum chú ý hơn tới vệ sinh môi trường khu vực chợ phiên; Dền Sáng
phát triển thổ cẩm của người Dao đỏ và các sản phẩm thảo dược; Ý Tý xây dựng
một đội văn nghệ dân tộc chuyên phục vụ nhân dân và du khách vào tối thứ bảy
hàng tuần; tổ chức lễ hội Khô Già Già có quy mô cấp huyện vào tháng 6 âm lịch
để thu hút du khách đến; Mường Vi đang nỗ lực bảo vệ tốt các di tích lịch sử văn
hóa cấp quốc gia...
Ông Nguyễn Duy Hân, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện
Bát Xát, chia sẻ: Điều tôi vui nhất bây giờ là cung đường chiến lược khi xưa (đường
Hoàng Liên Sơn I) nay đã trở thành cung đường du lịch giúp du khách trong và
ngoài nước biết đến vẻ đẹp của không chỉ Sa Pa mà sang một miền đất mới là Bát
Xát. Tiềm năng này nếu được khai thác hiệu quả sẽ giúp cho nhân dân dọc tuyến
đường có cuộc sống tốt hơn...
Ông Ly Giờ Có, dân tộc Hà Nhì, Bí thư Đảng ủy xã Ý Tý mong
muốn cấp ủy đảng, chính quyền các xã ở Bát Xát sẽ quan tâm hơn nữa tới việc
phát triển kinh tế du lịch. Muốn thế nhận thức của đồng bào các dân tộc về du
lịch phải được nâng cao hơn nữa, bắt đầu từ việc nâng cao ý thức giữ gìn bản
sắc dân tộc, bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch, làm cho bản làng ngày càng xanh
- sạch - đẹp...
Hiện nay, việc đánh thức tiềm năng du lịch Bát Xát đang được
gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Việc khai thác du lịch sao cho hiệu quả, bền vững đòi hỏi cấp ủy đảng, chính
quyền, ngành văn hóa và nhân dân các dân tộc phải đoàn kết, chung tay thực
hiện. Chúng tôi thì nghĩ rằng, nối tiếp cung đường Hoàng Liên Sơn I ngày xưa
thì đây lại là một cung đường mới khai phá, chắc chắn sẽ còn không ít gập
ghềnh, nhưng tin rằng sẽ đi tới thành công.