Du lịch vùng sông nước Thu Bồn đã được các hãng
lữ hành Nhật Bản đánh giá là đạt tiêu chuẩn sau chuyến khảo sát du lịch nông
dân và ngư dân tại Hội An vừa qua.
Sông Thu Bồn bắt nguồn từ vô số những con suối nhỏ róc
rách chảy xuống từ ngọn núi Ngọc Linh, ở chỗ giáp giới hai tỉnh Quảng Nam – Kon Tum thuộc
huyện Duy Xuyên. Sông Thu Bồn như một dòng mạch tràn đầy sinh lực của mảnh đất
Quảng Nam, len lỏi qua những
vùng núi non hiểm trở mạn tây Quảng Nam rồi đổ xuống các cánh đồng phì
nhiêu.
Trong những năm gần đây, du lịch sông nước trên sông Thu
Bồn đang trở thành hướng đột phá mới của Quảng Nam. Với vẻ đẹp sông nước trữ tình,
những cánh đồng, biền bãi mơn mởn xanh, những làng
quê ẩn mình bên những lũy tre làng, cây đa, nhà cổ... nơi đây đang trở thành
một trong những điểm đến lý tưởng của du khách. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam
đang xúc tiến đầu tư loại hình du lịch sinh thái sông nước – làng quê ở huyện
Điện Bàn.
Triêm Tây - một hòn đảo
nổi giữa bốn bề sông nước Thu Bồn, làng quê nổi tiếng với nghề dệt chiếu truyền
thống của huyện Điện Bàn. Vào mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về
trước khi ra biển Cửa Đại - Hội An đã xé tung vùng đất Triêm Tây trôi dần ra
biển, tạo cho nơi đây một địa hình vô cùng độc đáo và hiếm có. Chính vì thế,
trong những năm gần đây , trên vùng đất lở này đang xúc tiến một dự án du lịch
sinh thái sông nước - làng quê. Công việc đầu tiên là kè sông chống xói lở đất
và giữ nguyên hiện trạng làng quê như lũy tre làng, giếng nước, đường quê, nhà
cửa cũ của dân trong làng kết nối với xây dựng mới các biệt thự, các gian triển
lãm làng nghề truyền thống, các bể bơi và khai thông các tuyến du lịch
sông nước Thu Bồn. Hình thành được điểm du lịch này, Điện Bàn có cơ hội
kết nối với Hội An mở ra hướng phát triển mới về loại hình du lịch sông nước
làng quê.
Cũng với những ưu thế
đặc biệt phát triển du lịch, tại Điện Hòa (huyện Điện Bàn), UBND huyện cũng
đang khảo sát xây dựng làng hoa du lịch Hà Đông, sinh thái sông nước ven đập
Bầu Mít - Hà Thanh, hệ thống vườn quê, nhà cổ, đình làng. Trong quy hoạch phát
triển không gian đô thị, sẽ mở ra mô hình “làng trong phố” ở khối 5, thị
trấn Vĩnh Điện; du lịch đồng quê ở Gò Nổi, du lịch biển ở Hà My (Điện Dương),
Viêm Đông (Điện Ngọc), du lịch lịch sử văn hoá, xây dựng các di tích trở thành
các điểm du lịch ở từng vùng.
Cùng ngày, các hãng lữ hành của Nhật
Bản cũng đến làng sinh thái Trà Nhiêu (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) khảo sát
điểm du lịch sinh thái sông nước Thu Bồn. Trà Nhiêu được các công ty Hàn Quốc
đánh giá là nơi lý tưởng cho nghỉ dưỡng sinh thái sau khi thăm khu đền tháp Mỹ
Sơn, phố cổ Hội An.