Làm gì để phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ?
Cập nhật: 11/05/2012
Vào tháng 6/2012, Thanh Hóa sẽ tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Đây là cơ hội rất tốt để quảng bá di sản, phát triển văn hóa- du lịch.

Lượng khách tăng

Theo TS Đỗ Quang Trọng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, số lượng du khách đến tham quan Thành Nhà Hồ đã tăng gấp 3 lần so với trước đó, ước khoảng từ 3.000 đến 4.000 khách/tháng. Tuy nhiên, “nếu lượng khách tăng ồ ạt thì các điều kiện về cơ sở hạ tầng hiện nay chưa thể đáp ứng được” - TS Trọng nói. Theo đánh giá, thị trấn Vĩnh Lộc, địa bàn cách di tích chừng 5km, nơi dừng chân của du khách, nếu hết công suất, cũng chỉ mới đáp ứng được vài trăm khách với khoảng 10 nhà nghỉ. Bài toán đặt ra chính là phải nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng du lịch.

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, để chuẩn bị cho Lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, tỉnh đã đầu tư khoảng 30 tỷ đồng cho công tác nâng cấp các tuyến đường chính yếu về khu di sản, đường nội thành, các công trình phụ trợ, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ khách du lịch.

Trong thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã nỗ lực bảo tồn để phát huy hơn nữa giá trị của di sản như tiến hành nhiều cuộc khai quật tại khu vực Cửa Nam, đường Hoàng Gia, Đông Thái Miếu, công trường đá An Tôn…Cùng với đó, nhà trưng bày di tích được triển khai xây dựng, phấn đấu hoàn thành xong trước tháng 6/2012.

Mặc dù vậy, đội ngũ những người làm công tác chuyên môn vẫn còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Nếu số lượng khách tăng thì ngay đội ngũ thuyết minh viên cũng không đáp ứng đủ. Điều này đòi hỏi một sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn nữa của Thanh Hóa không chỉ về cơ sở vật chất mà còn cả về nhân lực du lịch.

Mở rộng không gian văn hóa di sản

Theo Sở VHTTDL Thanh Hóa, để di sản Thành Nhà Hồ hấp dẫn du khách gần, xa, Thanh Hóa cần đầu tư không chỉ về cở sở hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, vệ sinh môi trường… mà còn phải khai thác và mở rộng không gian văn hóa của di sản. Làm sao khi đến đây, ngoài tham quan di tích, du khách còn được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật dân gian do chính người dân trình bày; được thưởng thức những món ăn địa phương; lưu trú trong chính những nếp nhà truyền thống của người dân. Huyện Vĩnh Lộc có rất nhiều loại hình văn hóa phi vật thể như múa chèo cạn gắn với lễ hội Trần Khát Chân, ca trù, tuồng….. Huyện có tới 147 di tích, trong đó có 14 di tích quốc gia, một số điểm hấp dẫn như: động Kim Sơn- Tiên Sơn, vườn tượng đá, Phủ Trịnh- Nghè Vẹt…Nếu biết khai thác tốt, sẽ tạo ra những điểm du lịch vệ tinh kết nối với Thành Nhà Hồ.

Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý để UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan lập Quy hoạch tổng thể cấp quốc gia bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và các di tích phụ cận, huyện Vĩnh Lộc, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là tin vui để Thanh Hóa phát huy lợi thế của di sản.

Theo Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Khi quy hoạch được phê duyệt, chắc chắn nhà nước sẽ có đầu tư về kết cấu hạ tầng như: bãi đỗ xe, nhà đón khách, công trình vệ sinh, nhà trưng bày và bảo quản hiện vật. Cùng với đó, sẽ phải hình thành đội ngũ hướng dẫn viên, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp tại di sản văn hóa Thành Nhà Hồ và chú trọng phát triển du lịch cộng đồng”.

Trong thời gian tới, Sở VHTTDL Thanh Hóa sẽ khôi phục một số hạng mục: hào thành, đàn tế Nam Giao… Bên cạnh đó, chú trọng các điểm đến lân cận như: đền thờ Trần Khát Chân, chùa Giáng, nhà cổ; đồng thời quan tâm khôi phục các làng nghề truyền thống, cũng như các phương thức sản xuất nông nghiệp… Du khách đến tham quan Thành Nhà Hồ có thể ở lại nhà dân khu cổng Nam, cổng Đông và cổng Tây dưới hình thức homestay.

“Xu hướng là sẽ phục dựng lễ tế, đàn tế, chương trình phi vật thể. Vừa rồi, chúng tôi đã tổ chức thành công liên hoan đàn và hát dân ca khu vực di sản Thành Nhà Hồ lần thứ nhất ” - ông Tuấn cho biết thêm. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh gắn kết để tạo ra tour khép kín: Sầm Sơn - Thành Nhà Hồ - suối cá Cẩm Lương - khu di tích Lam Kinh.

Tuy nhiên, một điều mà lãnh đạo Sở VHTTDL Thanh Hóa vẫn còn trăn trở, đó là Thanh Hóa nằm trong vùng “cắt tour”, khách từ Hà Nội đến Ninh Bình thường vòng ra, hoặc từ Hà Nội đi Hải Phòng - Quảng Ninh mà bỏ qua Thanh Hóa…Thực tế, Thanh Hóa đã tổ chức đoàn famtrip với sự tham gia của đại diện nhiều công ty lữ hành, tuy nhiên, việc kết nối tour vẫn còn khó khăn do giao thông đi lại khó khăn. Hy vọng, tới đây, đề xuất đưa vào sử dụng sân bay Sao Vàng (huyện Thọ Xuân) được chấp thuận, việc phát triển du lịch sẽ trở nên khả thi hơn.
Baodulich.net.vn