Lời ngỏ cho du lịch cộng đồng ở Bắc Hà
Cập nhật: 15/05/2012
Lên Bắc Hà khi cây mận Tam hoa vừa đón cơn mưa rào sau những ngày khô hạn. Vào thôn, bản ven thị trấn, ngắm trái mận non mơn mởn dưới tán lá xanh, chắc hẳn du khách sẽ có cảm giác thật thư thái và sảng khoái.

Dù không đúng buổi chợ phiên Bắc Hà, nhưng trên con đường dẫn vào các bản thuộc xã Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, du khách sẽ gặp nhiều tốp khách du lịch khác đi tản bộ hoặc thăm những ngôi nhà sàn, ngắm phong cảnh và trải nghiệm cuộc sống mộc mạc của người dân địa phương.

Người dân địa phương giới thiệu sản phẩm thổ cẩm của địa phương

Anh Nguyễn Văn Hinh, hướng dẫn viên du lịch của một công ty lữ hành tại Hà Nội vừa đưa hai khách du lịch Pháp đến thôn Sín Chải B (xã Na Hối) cho biết cảm nhận của khách: Đến Bắc Hà, ngoài những phiên chợ đậm đà bản sắc, khách du lịch còn rất thích thú với các tour du lịch thôn, bản. Bởi với những người khách nước ngoài, khám phá đời sống thực của người dân vùng cao Việt Nam mang lại ấn tượng tốt đẹp cho họ.

Nắm bắt được thị hiếu của khách, mấy năm trở lại đây, tuy loại hình du lịch cộng đồng chưa phát triển bằng khu du lịch Sa Pa, nhưng Bắc Hà đang nỗ lực và khuyến khích người dân phát triển dịch vụ lưu trú tại gia. Đã có nhiều hộ dân tộc Tày, Nùng và Mông ở đây tận dụng cơ sở nhà ở hiện có, nâng cấp để sẵn sàng phục vụ khách du lịch. Mỗi hộ một điều kiện đầu tư khác nhau, nhưng tựu chung, người dân địa phương đang hướng tới nhu cầu của khách du lịch. Mô hình du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái - văn hóa đang được hình thành tại các xã Tà Chải, Na Hối, Bản Liền, Tả Van Chư, Bảo Nhai...

Du khách đến Bắc Hà theo các tuyến du lịch ngoài tỉnh được khai thác bởi một số hãng lữ hành như Công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty Du lịch Hà Nội, Hội Á Châu và Công ty Du lịch Lào Cai... Tuyến Sa Pa - Bắc Hà chủ yếu đưa du khách đi theo lịch trình tham quan chợ văn hóa Bắc Hà, làng Trung Đô (Bảo Nhai), du thuyền sông Chảy, thăm chợ Cốc Ly, làng văn hóa Bản Phố, Tả Van Chư, Bản Liền, Nậm Khánh...

Chúng tôi được cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện dẫn tới thăm một số gia đình đang kinh doanh dịch vụ lưu trú tại gia. Là một trong những hộ đầu tiên làm dịch vụ này, gia đình ông Vùi Văn Phù, dân tộc Tày ở thôn Na Thá (Tà Chải) đã được một công ty du lịch đầu tư mua đồ dùng và làm nhà vệ sinh để phục vụ khách. Năm đầu tiên công ty trả cho gia đình 30 nghìn đồng/khách/đêm, sang năm nay nâng lên 70 nghìn đồng/khách. Chỉ cần một chiếc đệm, chăn và màn là du khách có thể ngủ tại một gia đình người dân tộc Tày, hòa vào nếp sinh hoạt của họ. Sáng ra, du khách thức dậy giữa tiếng chim hót, tiếng gà gáy và hít hà không khí trong lành của làng quê. Gia đình ông Vùi cho biết: Năm ngoái ít khách, nhưng từ đầu năm đến nay, khách đến nghỉ đều. Một năm, khách du lịch bản làng chủ yếu vào mùa đông, hai tháng hè ít khách nhất vì họ chuyển hướng đi biển.

Với gia đình ông Sền Lưu Pà - thôn Sín Chải B (Na Hối) lại được một công ty lữ hành lựa chọn đầu tư, như ngăn phòng, mua chăn đệm và làm nhà vệ sinh khá hiện đại để đưa khách đến. Công ty ký hợp đồng 3 năm, trả 4 triệu đồng một tháng cho gia đình, tiền ăn tính riêng. Hai vợ chồng ông Pà năm nay đã cao tuổi nên chẳng hiểu lắm về nghiệp vụ đón khách, nhưng ông tâm sự: Mình cứ niềm nở, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chu đáo là khách vui vẻ thôi.

Mặc dù không được các công ty du lịch đầu tư, hộ anh Chu Đình Sa ở thôn Na Hối Tày lại tự vay vốn sửa nhà cửa, xây công trình phụ để phục vụ khách. Ngôi nhà sàn của gia đình khá thoáng mát giữa vườn cây xanh, xung quanh còn được bài trí những dụng cụ lao động sản xuất của người dân tộc vùng cao. Qua câu chuyện, tôi cảm nhận anh Sa khá tâm huyết với mô hình du lịch này và có nhiều ý tưởng về một điểm đến hấp dẫn, quy tụ những nghề truyền thống của Bắc Hà. Hiện tại, anh còn liên kết với các nghệ nhân và đội xòe của xã biểu diễn khi khách có nhu cầu.

Đó cũng là cách làm của anh Phạm Văn Thủy ở thôn Trung Đô (Bảo Nhai). Nằm ven sông Chảy, thôn Trung Đô khá thơ mộng với cánh đồng ngát xanh và nhiều vườn cây trái. Mấy năm nay, được sự hỗ trợ của ngành văn hóa, hội nông dân... một số hộ người Tày trong thôn đã mạnh dạn mở dịch vụ lưu trú tại gia. Hiện tại, thôn có 10 hộ đăng ký tham gia làm dịch vụ lưu trú, nhưng hộ anh Thủy có khách đến đều nhất, bởi anh liên kết được với các công ty lữ hành và khách sạn. Đến Trung Đô đúng vào ngày gia đình anh đón gần 20 khách Đan Mạch trong tour du lịch mạo hiểm, nên gia đình bận rộn chuẩn bị bữa tối cho khách. Anh Thủy cho biết: Trung bình mỗi tháng, gia đình anh đón 30 - 40 khách với giá từ 70 - 80 nghìn/khách/đêm. Ngoài ra, nếu du khách có nhu cầu du lịch sông Chảy, anh sẵn sàng phục vụ chở khách.

Đội văn nghệ của thôn Trung Đô cũng bận rộn không kém mỗi khi khách đến. Buổi tối, họ có buổi biểu diễn phục vụ đoàn khách tại nhà anh Thủy. Tuy công biểu diễn chỉ khoảng 30 nghìn đồng cho mỗi diễn viên không chuyên, nhưng họ thấy vui vì vừa có thể tăng thêm thu nhập, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống.

Du lịch cộng đồng ở Bắc Hà mới khởi phát được 4 - 5 năm nay, tuy chưa rầm rộ và chuyên nghiệp như Sa Pa, nhưng đây cũng là một sản phẩm du lịch độc đáo của Bắc Hà, giúp một số hộ dân tăng thêm thu nhập. Ông Thào Seo Cấu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết: Thời gian tới, huyện Bắc Hà tiếp tục hoàn thiện một số công trình như hồ Na Cồ, tiểu công viên quanh thị trấn; nâng cấp các nhà hàng, khách sạn đáp ứng nhu cầu phục vụ khách; khai thác tốt các điểm du lịch, như đền Bắc Hà, đền Trung Đô và một số làng du lịch, nâng dần tỷ trọng kinh tế du lịch ở địa phương.

Tuy nhiên, qua thực tế có thể thấy rằng: Tiềm năng du lịch ở Bắc Hà rất lớn, nhưng sản phẩm du lịch chưa phong phú. Nguyên nhân lớn nhất là do thiếu vốn đầu tư các công trình, tuyến điểm du lịch, trong khi đó chưa huy động được các doanh nghiệp đầu tư, kết hợp khai thác. Điều đó lí giải vì sao khách du lịch đến Bắc Hà chủ yếu là đi qua, chơi chợ mà ít khi lưu lại. Địa phương có một số làng nghề như rèn đúc, thổ cẩm, nấu rượu... nhưng đang mai một, chỉ vào mùa vụ, du khách mới có thể tham quan được công việc làm nghề khi đến các làng nghề này. Văn nghệ địa phương cũng dần mất đi nhiều nét văn hóa truyền thống khi các thế hệ trẻ không mặn mà kế thừa từ các thế hệ đi trước. Nhiều hộ nông dân muốn phát triển lưu trú tại gia, nhưng thiếu vốn hoặc được vay vốn hỗ trợ nhưng số tiền không nhiều. Mặc dù địa phương có tổ chức dạy nghiệp vụ du lịch cho lao động địa phương, nhưng bản thân các chủ hộ đăng ký kinh doanh lưu trú tại gia lại chưa được tập huấn các kiến thức về du lịch và giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chia tay các làng du lịch ở Bắc Hà, tôi cảm nhận rõ sự trăn trở của người dân khi muốn làm giàu bằng loại hình kinh tế mới, bên cạnh thu nhập từ cây ngô, cây sắn và cây ăn quả. Bắc Hà đang rất cần một sự bứt phá để "đánh thức" được tiềm năng kinh tế du lịch trên cao nguyên này.
Báo Lào Cai