Hiện nay, trên địa bàn tỉnh
Điện Biên có những nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như: dệt
thổ cẩm, đan lát, lấy mật ong rừng, chế biến rượu..., được chia làm 3 loại
chính: cơ khí, dệt và gỗ.
Trong những năm qua, nghề
thủ công truyền thống vùng DTTS chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người
dân.
Sản phẩm bao gồm vật dụng, đồ dùng
cho gia đình, công cụ sản xuất, các sản phẩm phục vụ nhu cầu ăn, mặc, văn hóa
nghệ thuật, xây dựng các công trình văn hóa xã hội. Tuy nhiên, thời gian gần
đây, hàng thủ công này đã có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước và được
mọi người ưa chuộng. Song, về lâu dài để phát huy giá trị làng nghề vùng DTTS
thì việc tìm "đầu ra" cho các sản phẩm làng nghề đã trở thành vấn đề
cấp bách. Hàng thủ công truyền thống muốn tìm được đầu ra phải đặc biệt tinh
xảo, vừa độc đáo, bền chắc và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Văn Cộng, Giám đốc Trung
tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp, cho biết: Để làm được những
sản phẩm thủ công đáp ứng được các yêu cầu nêu trên, trước hết phải có đội ngũ
thợ lành nghề, dày dặn kinh nghiệm. Đó là những người đang nắm giữ vốn nghề của
cha ông từ đời này sang đời khác theo kiểu cha truyền con nối. Vì dễ thất
truyền, việc khai thác và truyền dạy nghề từ lớp nghệ nhân này là hết sức quan
trọng và cần có chính sách hỗ trợ thích đáng, tạo điều kiện về mọi mặt để họ
truyền dạy nghề cho lớp trẻ. Tình hình mới đòi hỏi các làng nghề truyền thống
không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà cần sản xuất tập trung. Một mặt nâng cao
chất lượng sản phẩm, mặt khác phải tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị
trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, kết hợp ngành Du lịch để giới
thiệu và bán sản phẩm.
Nghề thêu, dệt truyền thống trên địa
bàn tỉnh sản xuất với nhiều mẫu mã, màu sắc và kiểu dệt khác nhau. Nhiều sản
phẩm từ các bản có sự trao đổi hàng hoá với khách du lịch trong và ngoài nước góp
phần giúp cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo. Xã Thanh Nưa,
huyện Điện Biên được nhiều người biết đến với mô hình dệt thổ cẩm. Với 14 triệu
đồng được hỗ trợ ban đầu để mua khung dệt, mở lớp tập huấn và thuê các nghệ
nhân truyền dạy, xã vận động các chị em tham gia mô hình dệt thổ cẩm. Đến nay,
từ chỗ chỉ có 3 - 4 người tham gia, trong xã có hơn 100 chị em tham gia mô hình
dệt thổ cẩm, chủ yếu phục vụ người dân địa phương và khách du lịch.
Mô hình trên không chỉ góp phần bảo
tồn giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái mà còn tạo việc làm,
tăng thu nhập cho người dân. Không chỉ mô hình dệt ở Thanh Nưa phát triển mà
còn nhiều mô hình khác như thêu thổ cẩm của đồng bào Mông ở thôn Tà Là Cáo (xã
Sính Phình, huyện Tủa Chùa); mây tre đan ở xã Nà Tấu (huyện Điện Biên) đã và
đang được khôi phục, duy trì.
Để phát huy giá trị làng nghề vùng
DTTS cần gắn sản xuất, tiêu thụ với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và
chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá sản phẩm, gắn làng nghề với
những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch. Về lâu dài, việc đầu tư cần dựa trên
những đánh giá qua công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu các giá trị văn hoá
của từng dân tộc. Trong đó, nghiên cứu hệ thống nghề và làng nghề truyền thống
các dân tộc thiểu số, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, phát huy và vận dụng nghề
có hiệu quả.