Với những tiềm năng về văn hóa, lịch
sử, thiên nhiên ưu đãi, vị trí địa lý thuận lợi, phát triển du lịch được xác
định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Mặc dù vậy, những tiềm năng này vẫn
chưa được khai thác đúng tầm để mang lại hiệu quả cao.
Việc huy động các nguồn lực đầu tư
phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du
lịch, thu hút du khách đang là giải pháp cần tính đến nhằm khai thác tốt hơn
ngành công nghiệp không khói của tỉnh.
Hòa Bình đã và đang khuyến khích các
doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Nhờ đó, hạ tầng du lịch của tỉnh có
những bước phát triển nhất định. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có 220
điểm và cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó có 24 khách sạn (1 khách sạn ba sao, 9
khách sạn 2 sao, 3 khách sạn 1 sao, còn lại là các nhà nghỉ và các xóm, bản du
lịch cộng đồng với 1.900 buồng, khoảng 2.900 giường). Các điểm, cơ sở lưu trú
du lịch chủ yếu tập trung ở TP Hòa Bình, Lương Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi và Mai
Châu. Tỉnh cũng đã có một số trung tâm vui chơi, hội họp như: Trung tâm AP LAZA
Anh Kỳ, khách sạn Lod- Mai Châu, Vesort Kim Bôi đã phát huy hiệu quả, đáp ứng
nhu cầu du lịch và các sự kiện lớn diễn ra trong tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn
tỉnh có một số doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực du lịch khá bài bản và
chuyên nghiệp. Có thể kể đến Công ty INT (Kỳ Sơn) bắt đầu triển khai đầu tư vào
địa bàn tỉnh từ năm 2000 và tập trung đầu tư mạnh từ năm 2006. Hiện, Công ty
tập trung đầu tư vào chuỗi sản phẩm du lịch Kỳ Sơn Xanh bao gồm 4 khu chính:
khu The Fantasy Villas tại suối Bùi,
thôn Gò Bùi, xã Dân Hòa; khu biệt thự sinh thái The Melody Villas; khu Resort
Cao Vàng, xóm Rụ, xã Mông Hóa và Đồng Bến Lake View, xã Dân Hạ. Đến thời điểm
này, tổng mức đầu tư đã lên tới gần 200 tỷ đồng. Các khu du lịch đã cơ bản định
hình. Vào cuối tháng 4 vừa qua, Công ty đã chính thức khai trương sân tennis
đôi đất nện được đánh giá đẹp nhất miền Bắc tại khu sinh thái The Melody Villas
tại thôn Gò Bùi đầu tư khoảng 1,8 tỷ đồng. Các sản phẩm du lịch được Công ty
INT đưa vào khai thác và bắt đầu nhận sự quan tâm của đông đảo du khách trong
và ngoài tỉnh. ông Lê Đức Hài, Chủ tịch HĐQT Công ty INT cho biết: Hiện nay,
Công ty đang tập trung các nguồn lực hoàn thiện hạng mục xây dựng các sản phẩm
du lịch đặc sắc và chuyên nghiệp phục vụ khách hàng bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Trong đó, đặc biệt đảm bảo môi trường thiên nhiên trong lành, đáp ứng nhu cầu
nghỉ dưỡng sinh thái của du khách hay
như dự án khách sạn 4 sao An Thịnh triển khai tại khu vực Cảng Nghiêng (TPHB)
của Công ty CPBĐS An Thịnh Hòa Bình có tổng mức đầu tư khoảng 15 triệu USD cũng
đang được tháo gỡ khó khăn tập trung triển khai. ông Vũ Duy Bổng, Chủ tịch HĐQT
Công ty An Thịnh cho biết: Công ty cơ bản hoàn thiện phần móng và đang huy động
các nguồn lực để triển khai dự án bảo đảm tiến độ, thực hiện mục tiêu xây dựng
Khách sạn 4 sao An Thịnh- tiêu chuẩn quốc tế. Đây sẽ trở thành điểm cung cấp
các sản phẩm du lịch dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của du khách trong
và ngoài nước.
Theo ông Vũ Trung, cán bộ phòng
nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT&DL), việc đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch là
điều kiện then chốt để nâng cao hiệu quả ngành công nghiệp không khói trong
chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Đầu tư cho hạ tầng du lịch có hai nguồn
là: hạ tầng kỹ thuật du lịch do các doanh nghiệp đầu tư và hạ tầng cơ sở du
lịch do Nhà nước đầu tư. Từ năm 2006- 2010, về đầu tư hạ tầng kỹ thuật du lịch,
tỉnh ta có 74 dự án đầu tư vào du lịch; 33 dự án đã được cấp phép đầu tư, trong
đó có 17 dự án đã đi vào hoạt động với diện tích đất khoảng 654,677 ha, tổng
vốn đầu tư khoảng 1.309,5 tỷ đồng, thu hút việc làm cho hơn 550 lao động; 41 dự
án đang tiến hành các thủ tục đầu tư với diện tích 3.214,8 ha, tổng vốn đăng ký
7.132,6 tỷ đồng. Về đầu tư hạ tầng cơ sở, tổng số vốn đầu tư là 142,59 tỷ đồng.
Trong đó, vốn Trung ương 122,563 tỷ đồng, vốn địa phương 20,027 tỷ đồng.
Tuy vậy, qua số liệu thống kê trên
cũng có thể thấy, từ năm 2011 đến nay, do tình hình khủng hoảng kinh tế chung
nên nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào hạ tầng du lịch hầu như không có. ở tỉnh ta
hiện nay, việc đầu tư hạ tầng du lịch cũng chưa được quan tâm đúng mức, hạ tầng
kỹ thuật du lịch còn thiếu đồng bộ, các dự án đầu tư quy mô nhỏ, tiêu chuẩn
thấp; sự phối hợp thu hút đầu tư, quản lý dự án còn nhiều bất cập. Thực tế,
nguồn vốn đầu tư chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu thực tế và thiếu sự liên kết
đầu tư khai thác hạ tầng du lịch. Vì vậy, các địa phương không cân đối được
nguồn vốn, khiến nhiều công trình hạ tầng du lịch bị kéo dài thời gian, không
theo kịp tiến độ dự kiến. Nhiều công trình trình lãng phí do thiếu quy hoạch
chungĐây là những khó khăn trong đầu tư hạ tầng phát triển du lịch ở Hòa Bình.
Hiện mới chỉ có một số ít doanh
nghiệp mạnh mới tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch như: Công ty INT ở xã
Dân Hòa (Kỳ Sơn), Công ty BĐS An Thịnh- Hòa Bình đầu tư khách sạn 4 saoCũng có
những nhà đầu tư đăng ký đầu tư nhưng triển khai cầm chừng hoặc không triển
khai dự án làm lãng phí tài nguyên du lịch. Trong lúc nguồn ngân sách Nhà nước
đầu tư cho kết cấu hạ tầng du lịch còn eo hẹp, tỉnh rất cần những nhà đầu tư đủ
năng lực về tài chính, chuyên nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch tham gia đầu
tư hạ tầng du lịch. Vấn đề đặt ra là cần kết hợp tốt các nguồn lực đầu tư từ
ngân sách và các nguồn lực của doanh nghiệp để xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch
đồng bộ, hiện đại. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay vẫn có nhiều doanh nghiệp
quan tâm, nghiên cứu và triển khai đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Các cơ quan
chức năng cần nâng cao năng lực thẩm định, lựa chọn đúng các doanh nghiệp có
năng lực triển khai các dự án du lịch hiệu quả. Đồng thời đề xuất cấp có thẩm
quyền tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đôn đốc các dự án dự án du lịch chậm
triển khai, kiên quyết xử lý các dự án không triển khai theo cam kết đầu tư.
Tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp có
năng lực muốn đầu tư lại không có chỗ vì các dự án khác chậm triển khai đã
chiếm đất gây lãng phí tài nguyên du lịch. Kết hợp hài hòa các nguồn lực đầu
tư, tỉnh ta sẽ có điều kiện khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch, thực hiện mục
tiêu hình thành các sản phẩm du lịch chất lượng và độc đáo, tăng nhanh tỷ trọng
du lịch trong cơ cấu kinh tế, gắn phát triển du lịch với tạo việc làm, nâng cao
dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đáp ứng yêu cầu hội nhập
kinh tế./.