Địa đạo sẽ là điểm du lịch hấp dẫn khi đến Vũng Tàu
Cập nhật: 04/06/2012
Ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ban, ngành và các địa phương vừa có buổi khảo sát địa đạo Hắc Dịch (huyện Tân Thành) và địa đạo Long Phước (TX. Bà Rịa) để lên phương án khôi phục, trùng tu và tạo thêm những sản phẩm mới thu hút khách. Vì vậy, có thể hy vọng rằng, một ngày không xa, các hệ thống địa đạo sẽ trở thành những điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Tháng 5/1959, Hắc Dịch được Tỉnh ủy Bà Rịa chọn làm căn cứ cho cuộc kháng chiến tại địa phương. Mùa khô năm 1961, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bà Rịa, quân và dân xã Hắc Dịch đã đào địa đạo nhằm bảo vệ lực lượng và xây dựng khu căn cứ kháng chiến lâu dài. Hệ thống địa đạo ẩn dưới những tán rừng cây rậm rạp, luồn sâu bên các sườn đồi xuống các thung lũng lòng chảo đất đỏ bazan. Phía trên địa đạo có những lán trại được dựng bằng gỗ, tre, nứa mái lợp lá trung quân làm nơi hội họp, sinh hoạt, học tập, nơi ăn ở của các đơn vị. Bên miệng địa đạo là hệ thống giao thông hào, ụ chiến đấu, các loại hầm chông được ngụy trang bí mật để ngăn chặn địch càn quét từ bên ngoài vào… Cuối tháng 5/2012, cán bộ huyện Tân Thành dẫn đầu đoàn khảo sát của tỉnh về thăm địa đạo Hắc Dịch để nắm rõ thực trạng. Đường ấp 3 xã Hắc Dịch (huyện Tân Thành) đầy khói bụi, đất đỏ. Đến nơi, ông Trần Đình Lân, Phó trưởng phòng VHTT huyện Tân Thành giới thiệu: “Đây là một cửa hầm của địa đạo” khiến nhiều người bất ngờ, dấu vết địa đạo Hắc Dịch chỉ còn lại là một cái hố sâu, sụt lún... Mọi người hiểu rằng, lịch sử hào hùng một thời của địa đạo Hắc Dịch dường như chỉ còn lại trong câu chuyện kể.  

Rời địa đạo Hắc Dịch, đoàn khảo sát đến địa đạo Long Phước (TX. Bà Rịa). Theo lời giới thiệu của ông Trần Văn Triêm, Trưởng phòng Di sản Văn hóa (Sở VHTTDL), hệ thống địa đạo Long Phước được khôi phục từ tháng 4 năm 1963 và phát triển thành thế liên hoàn vững chắc. Qua 27 năm (1948-1975) hình thành và phát triển, địa đạo Long Phước là nơi bám trụ đánh địch kiên cường của lực lượng cách mạng. Trải qua bao mưa bom, bão đạn, địa đạo và quân dân Long Phước vẫn đứng vững kiên cường, xứng danh vùng đất một thời đạn bom vẫn được xem như “núm sữa” quan trọng nuôi dưỡng phong trào cánh mạng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Năm 1990, địa đạo Long Phước được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Hai năm sau, di tích này được đầu tư trùng tu nhưng vẫn không thu phí khách tham quan. Ông Nguyễn Văn Tấn, bảo vệ địa đạo Long Phước cho biết, ông vừa làm công việc của người bảo vệ vừa kiêm luôn cả vai trò thuyết minh. Nhưng không phải là nghề chuyên nghiệp nên biết đến đâu ông nói đến đó. Còn lại du khách phải tự đọc bảng giới thiệu về di tích. Theo giải thích của ông Tấn, địa đạo Long Phước chưa thu hút khách không chỉ bởi thiếu hướng dẫn viên chuyên nghiệp mà còn bởi nhiều nguyên nhân khác như ngoài hệ thống giao thông hào và địa đạo ra, nơi đây không có bất cứ công trình dịch vụ phụ trợ như cà phê giải khát, nơi bán hàng lưu niệm…. phục vụ khách.  

Sau khi được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia (năm 2001), Sở Văn hóa - Thông tin(trước đây) đã có dự án trùng tu tôn tạo di tích địa đạo Hắc Dịch. Các hạng mục dự kiến triển khai gồm: Xây dựng hệ thống giao thông; xây dựng nhà trưng bày truyền thống bổ sung cho di tích, nhà đón khách, nơi trực thuyết minh, nhà bảo vệ, công trình vệ sinh; dựng hệ thống tượng đài, bia di tích… Thế nhưng, nhiều năm qua, dự án này vẫn không được triển khai. Cuối tháng 5/2012, đoàn khảo sát của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương đã đến địa đạo Hắc Dịch nắm bắt lại thực trạng, từ đó lên phương án khôi phục, trùng tu… Địa đạo Hắc Dịch là một trong những địa đạo quy mô lớn của miền Đông Nam Bộ, với tổng chiều dài 2.500m, nằm cách mặt đất từ 4-5m, đường xương sống có chiều rộng từ 0,7 – 0,8m, chiều cao trung bình 1,8m, trải dài trên địa phận các xã Hắc Dịch, Sông Xoài (huyện Tân Thành). Vì vậy, việc khôi phục, trùng tu địa đạo sẽ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nếu được khôi phục, trùng tu, địa đạo Hắc Dịch sẽ mở ra triển vọng lớn trong việc đón khách quốc tế. “Khi sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) với tổng mức đầu tư ước hơn 10 tỷ USD đi vào hoạt động, địa đạo Hắc Dịch sẽ là điểm đầu tiên đón khách đến tham quan du lịch tại Bà Rịa – Vũng Tàu”.  

Không nằm trong danh sách những di tích có nguy cơ bị xóa sổ nhưng địa đạo Long Phước dù được tôn tạo nhưng vẫn chưa thật sự thu hút khách. Ông Trần Văn Triêm kỳ vọng, khi khôi phục, đầu tư nâng cấp, kết nối tour tuyến, địa đạo Long Phước không chỉ thu hút khách du lịch về nguồn mà còn đón được một lượng lớn du khách đến từ Australia, kết nối từ hệ thống khách từ di tích bia thánh giá Long Tân ở gần đấy. Và khi đến tham quan địa đạo, du khách mới hiểu rằng vì sao một dân tộc nhỏ bé, nghèo nàn như Việt Nam; một vùng quê gian khổ như Long Phước lại đánh thắng được kẻ thù hùng mạnh và cảm nhận được những âm vang chiến thắng dường như còn dội về trong lòng đất. Ông Lê Thanh Dũng cho biết, sau đợt khảo sát để nắm thực trạng các địa đạo, UBND tỉnh sẽ có cuộc họp với các sở, ban, ngành và địa phương để tiến tới xây dựng những giải pháp nhằm trùng tu, tôn tạo và khai thác các tuyến địa đạo phục vụ khách tham quan, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của địa phương.

Báo Bà Rịa - Vũng Tàu