Ngày 05 tháng 6 năm
2012, tại TP. Lạng Sơn, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện
thí điểm mô hình đón khách Trung Quốc theo Quy chế 849 qua cửa khẩu Hữu
Nghị, Lạng Sơn.
Hội nghị có sự hiện
diện của ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch,
ông Tô Hùng Khoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển
du lịch tỉnh Lạng Sơn, lãnh đạo các đơn vị thuộc TCDL, Sở VHTTDL Lạng
Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bộ Công an, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên
phòng, các doanh nghiệp đón khách Trung Quốc vào Việt Nam...
Nỗ lực khai thông dòng khách Trung Quốc theo Quy chế 849
Quy
chế 849 là tên gọi tắt của Quy chế về tổ chức và quản lý công dân Trung
Quốc sử dụng giấy phép nhập, xuất cảnh (giấy thông hành) do Trung Quốc
cấp vào Việt Nam tham quan du lịch, được ban hành kèm theo Quyết định số
849/2004/QĐ-BCA ngày 27 tháng 8 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công an. Tuy
nhiên, vào tháng 3/2005, Chính phủ Trung Quốc đã tạm ngừng cấp giấy
thông hành cho công dân Trung Quốc đi du lịch qua cửa khẩu Móng Cái với
lý do hạn chế công dân Trung Quốc vào Việt Nam để đánh bạc. Và từ tháng
10/2005, Chính phủ Trung Quốc có chủ trương tạm dừng đưa khách Trung
Quốc có giấy thông hành vào Việt Nam qua tất cả các cửa khẩu đường bộ.
Trước
tình hình đó, Tổng cục Du lịch đã có nhiều chủ trương, biện pháp thiết
thực và cụ thể để tháo gỡ vướng mắc nhằm khơi thông trở lại dòng khách
này vào Việt Nam. Qua trao đổi, từ tháng 3/2006 Trung Quốc đã mở cho
khách Trung Quốc sử dụng giấy thông hành vào Việt Nam qua đường biển
theo tuyến Bắc Hải - Hạ Long. Và với hiệu quả tích cực từ việc triển
khai Chiến dịch “Ấn tượng Việt Nam” của ngành Du lịch Việt Nam, năm
2009, Chính phủ Trung Quốc đã có quyết định chính thức mở cửa cho khách
Trung Quốc sử dụng giấy thông hành vào Việt Nam tham quan du lịch bằng
đường bộ qua cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn.
Thực
hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã phối hợp chặt
chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên
phòng, UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo triển khai thí điểm mô hình đón khách
Trung Quốc theo Quy chế 849 vào Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn
với tinh thần quản lý chặt chẽ, bảo vệ quyền lợi của khách du lịch, đảm
bảo hiệu quả kinh tế, an ninh quốc phòng, từng bước đưa hoạt động du
lịch biên giới vào quy chuẩn quốc tế.
Đồng
thời, để đón khách Trung Quốc, Câu lạc bộ doanh nghiệp đón khách Trung
Quốc đã được thành lập với 10 thành viên, cùng xây dựng và ký cam kết
thực hiện Quy chế hoạt động của Câu lạc bộ và các quy định của Quy chế
849. Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn được Tổng cục Du lịch ủy nhiệm làm đầu mối
triển khai và theo dõi hoạt động đón khách Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu
Nghị, Lạng Sơn.
Theo
báo cáo của 10 doanh nghiệp thí điểm đón khách Trung Quốc, sau 3 năm
triển khai, CLB đã đón được 111.892 lượt khách, tổng thu ước đạt 170 tỷ
đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 6 tỷ đồng, góp phần mang lại hiệu quả
kinh doanh và đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự xã hội tại khu vực cửa
khẩu Hữu Nghị.
Đóng góp tích cực cho công tác đối ngoại, an ninh trật tự biên giới và nâng cao hình ảnh Du lịch Việt Nam
Từ
lúc đi vào triển khai thí điểm, hoạt động đón khách Trung Quốc tại cửa
khẩu Hữu Nghị đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất vào cuộc của cơ
quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương tới địa phương; các ban
ngành hữu quan như Công an, Xuất nhập cảnh, Biên phòng,... cũng đã hợp
tác chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch và doanh nghiệp.
Việc
đón khách Trung Quốc theo quy chế 849 qua cửa khẩu Hữu Nghị của các
doanh nghiệp luôn được các cơ quan quản lý nhà nước giám sát chặt chẽ,
bám sát tình hình thực tiễn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc xảy
ra trong quá trình hoạt động kinh doanh đón khách.
Các
doanh nghiệp trong CLB cũng đã cùng hợp tác, phát huy tinh thần đoàn
kết, nâng cao sức cạnh tranh để thu hút khách Trung Quốc, đem lại nguồn
thu đáng kể cho doanh nghiệp, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, nâng cao
chất lượng đời sống cho cán bộ công nhân viên. Việc các doanh nghiệp
thành viên có ý thức hợp tác, thực hiện đúng quy chế CLB đã làm môi
trường kinh doanh ngày càng lành mạnh, chất lượng dịch vụ được nâng lên,
đảm bảo lợi ích chính đáng cho khách du lịch thông qua việc doanh
nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh giữ giá sàn, không cắt giảm dịch vụ, thực
hiện đúng lịch trình tour du lịch đã ký kết,... để lại ấn tượng tốt đẹp
đối với khách du lịch, góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam.
Ngoài các tour truyền thống tại khu vực các tỉnh thành Lạng Sơn – Hà Nội
- Hải Phòng - Quảng Ninh, các doanh nghiệp cũng đã tích cực xây dựng
khai thác các tour tuyến du lịch đi vào các tỉnh miền Trung, miền Nam.
Cùng với đó, việc tuân thủ nghiêm túc các quy định đã làm giảm bớt tình
trạng lộn xộn, mất an ninh, trật tư tại khu vực cửa khẩu biên giới,
doanh nghiệp hai bên dần tạo được niềm tin lẫn nhau trong phối hợp khai
thác nguồn khách, đưa hoạt động kinh doanh dần đi vào nề nếp.
|
Các
đại biểu cho rằng việc áp dụng mô hình đón khách theo quy chế 849 đã
mang lại bài học tốt về quan hệ kinh tế đối ngoại giữa Việt Nam và Trung
Quốc thể hiện ở việc các doanh nghiệp lữ hành trong CLB đã tạo được sự
đối đẳng trong quan hệ kinh doanh với doanh nghiệp Trung Quốc, lợi ích
của các doanh nghiệp Việt Nam được bảo vệ. Tuy lượng khách Trung Quốc sử
dụng giấy thông hành vào Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị hàng năm chỉ
chiếm khoảng 2,5% tổng lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam, nhưng đây
không chỉ là sự đóng góp về kinh tế mà quan trọng hơn chính là cho công
tác đối ngoại, an ninh trật tự khu vực biên giới và nâng cao hình ảnh du
lịch Việt Nam.
Vẫn còn đó những tồn tại cần khắc phục
Tại
Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế
trong quá trình triển khai thí điểm mô hình đón khách Trung Quốc qua cửa
khẩu Hữu Nghị.
Do
hoạt động đón khách Trung Quốc của CLB hiện đang theo cơ chế phân bổ
hạn ngạch nên còn có doanh nghiệp chưa thực sự chủ động khai thác khách
và còn tư tưởng trông chờ vào hạn ngạch. Bên cạnh đó hoạt động điều hành
của lãnh đạo CLB còn thiếu sự linh hoạt, có lúc chưa chủ động xử lý kịp
thời các công việc phát sinh.
Chất
lượng hướng dẫn viên cũng là một vấn đề quan ngại của các đại biểu. Tuy
đội ngũ hướng dẫn viên tiếng Trung thời gian gần đây đã được các doanh
nghiệp quan tâm nhưng số lượng vẫn còn ít và chuyên môn nghiệp vụ còn
hạn chế, gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng phục vụ khách du lịch.
Bên
cạnh đó, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ đón tiếp khách du lịch tại cửa
khẩu Hữu Nghị còn hạn chế, chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách trong
khi chờ làm thủ tục xuất nhập cảnh.
Trong
thời gian gần đây, lượng khách Trung Quốc sử dụng giấy thông hành qua
cửa khẩu Hữu Nghị có xu hướng giảm. Một trong những nguyên nhân chính là
do tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, lộn xộn trong kinh doanh đón
khách Trung Quốc tại Móng Cái hiện nay chưa được quản lý và chấn chỉnh
kịp thời (do giá tour cho khách sử dụng hộ chiếu rẻ hơn khách sử dụng
giấy thông hành) nên đã ảnh hưởng đến lượng khách Trung Quốc qua cửa
khẩu Hữu Nghị và còn gây ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh du lịch Việt
Nam.
Theo
Sở VHTTDL Lạng Sơn, về phía Trung Quốc việc cấp giấy thông hành xuất
nhập cảnh cho công dân Trung Quốc đi du lịch Việt Nam chưa thuận lợi,
còn mất nhiều thời gian. Chi phí làm thủ tục cho khách Trung Quốc vào
Việt Nam bằng hộ chiếu qua cửa khẩu đường bộ rẻ hơn so với chi phí làm
thủ tục đi bằng giấy thông hành. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng chưa
thực sự quảng bá sâu vào các tỉnh nội địa Trung Quốc nên chưa thu hút
được nhiều khách sang Việt Nam.
Giữ nguyên mô hình đón khách Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị
Trên
cơ sở nhìn nhận những kết quả đạt được trong thời gian qua, Hội nghị
đánh giá chủ trương thực hiện thí điểm mô hình này là đúng đắn, phù hợp
với đặc thù hoạt động du lịch qua biên giới của đối tượng khách sử dụng
giấy thông hành vào Việt Nam.
Các
đại biểu cũng thống nhất đề xuất chính thức áp dụng và giữ nguyên mô
hình đón khách Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu Nghị như hiện nay. Đồng thời,
nghiên cứu áp dụng mô hình này tại các địa phương có cửa khẩu đường bộ
khác.
Để
phát huy những kết quả và khắc phục những hạn chế trong mô hình đón
khách Trung Quốc theo quy chế 849, nhiều ý kiến cũng đã được đưa ra đề
xuất các giải pháp liên quan tới những vấn đề về quản lý nhà nước, chất
lượng đào tạo, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm...
Phó
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Tô Hùng Khoa, cho rằng thực trạng ở
hai cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh) cho thấy chưa
có sự quản lý nhịp nhàng giữa khách sử dụng hộ chiếu và giấy thông hành
dẫn đến tình trạng lộn xộn trong đón khách. Do vậy, cơ quan quản lý nhà
nước về du lịch ở Trung ương cần nghiên cứu cơ chế quản lý đồng bộ hai
hình thức này để chấn chỉnh và quản lý chặt chẽ hoạt động đón khách. Ông
cũng cho rằng du lịch là lĩnh vực mang tính liên ngành, liên vùng cao
nên cần sự điều phối, chỉ đạo của cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương
chứ không thể giao khoán cho địa phương quản lý vận hành. Ông nhấn mạnh,
quá trình triển khai thí điểm mô hình đón khách theo quy chế 849 cho
thấy bài học kinh nghiệm lớn về phối hợp hành động giữa các địa phương,
cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp để đạt được các mục tiêu về kinh tế,
xã hội, đối ngoại, an ninh quốc phòng.
Đại
diện Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng các doanh nghiệp cần gắn kết
hiệu quả kinh doanh với mục tiêu an sinh xã hội, trật tự an ninh. Cơ
quan quản lý nhà nước bên cạnh việc chia sẻ, hướng dẫn cần tăng cường
công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp để duy trì
sự ổn định trong hoạt động kinh doanh đón khách du lịch. Bên cạnh đó, để
đảm bảo chất lượng phục vụ khách, các doanh nghiệp cũng cần thống nhất
về chất lượng dịch vụ, nâng cao đào tạo trình độ nghiệp vụ hướng dẫn
viên. Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện kiểm tra xuất nhập cảnh để
thuận tiện cho việc đón tiếp khách, làm thủ tục xuất nhập cảnh.
Theo
đại diện Bộ Công an, khách du lịch sử dụng giấy thông hành là đối tượng
rất tiềm năng cần thu hút. Tuy nhiên, trong hoạt động đón khách cần đặt
ra các tiêu chí, tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp thành viên của CLB để
có thể loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém, bổ sung những doanh nghiệp có
đủ năng lực.
Phát
biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Mạnh Cường đánh
giá cao sự thống nhất ý kiến của các đại biểu về chủ trương áp dụng mô
hình đón khách Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị theo quy chế
849 và nghiên cứu áp dụng tại các địa phương khác. Phó Tổng cục trưởng
đề nghị trong thời gian tới, CLB đón khách Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu
Nghị cần nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung quy chế hoạt động của CLB để thúc
đẩy tính chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp thành viên trong hoạt
động đón khách. Bên cạnh việc đàm phán về giá với phía doanh nghiệp
Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao chất lượng
và phát triển sản phẩm du lịch mới, trong đó ưu tiên phát triển tour du
lịch ngay tại Lạng Sơn để góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương.
Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, mô hình đón khách cần hướng tới thúc đẩy
lợi ích của cả hai bên Việt Nam – Trung Quốc, qua đó khai thác hiệu quả
nguồn khách sử dụng giấy thông hành, bảo đảm lợi ích của khách du lịch,
doanh nghiệp, thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động đón khách tại
cửa khẩu, giữ vững an ninh trật tự vùng biên.
Truyền Phương (TTTTDL)