Hội nghị tổng kết báo cáo Festival Huế 2012 và định hướng Festival Huế 2014
Cập nhật: 13/06/2012
Sáng 11/6, tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã diễn ra hội nghị tổng kết báo cáo Festival Huế 2012 và định hướng Festival Huế 2014 với sự tham gia của Ban Tổ chức Festival; đại diện các sở, ban, ngành liên quan; lãnh đạo các huyện và thành phố Huế; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương…

          Khách du lịch tham quan các di tích ở Huế
Diễn ra từ ngày 7 – 15/4, Festival Huế 2012 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - nơi gặp gỡ của các thành phố lịch sử" là điểm nhấn của Năm du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012, đồng thời được đánh giá là kỳ festival thành công rực rỡ trên nhiều phương diện. Festival đã quy tụ hơn 5000 nghệ sỹ chuyên nghiệp và không chuyên đến từ 65 đơn vị nghệ thuật trong nước và 27 quốc gia trên thế giới (Pháp, Anh, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ixrael, Ấn Độ, Mêhicô, Hoa Kỳ, Philippine, Nga, Nam Phi…). Tại Festival 2012, các chương trình văn hóa, nghệ thuật được dàn dựng công phu, nội dung mang đậm tính nhân văn, thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự.  

Trong thời gian diễn ra lễ hội đã có 189.189 lượt khách du lịch lưu trú, trong đó có 90.783 lượt khách quốc tế (tăng 54% so với Festival Huế 2010). Lượng khách tham quan các di tích ở Huế là 79.626 lượt khách (tăng 0,6% so với Festival Huế 2010). Đặc biệt, chương trình “Chợ quê ngày hội” ở cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) thu hút lượng khách đông nhất từ trước đến nay với gần 17.000 lượt khách tham dự chỉ riêng trong ngày khai mạc. Bên cạnh đó, lễ hội “Hương xưa làng cổ” ở làng cổ Phước Tích (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) cũng thu hút sự tham gia của gần 20.000 lượt khách...    

Tại hội nghị, Ban Tổ chức đã trao bằng khen cho 74 tập thể, 126 cá nhân có thành tích xuất sắc, góp phần vào thành công của Festival Huế 2012.  

Về định hướng tổ chức Festival Huế 2014, Ban Tổ chức cho biết, festival sẽ diễn ra từ ngày 12 – 20/4 vẫn với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Đây là năm chẵn kỷ niệm nhiều sự kiện có ý nghĩa trong quá trình xây dựng và phát triển Huế như: 115 năm xây dựng cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba, 115 thành lập trường Bá công Huế, 110 năm xây dựng Nhà thương Huế (nay là Bệnh viện Trung ương Huế), 95 năm xây dựng nhà máy điện Huế, 100 năm tạp chí nghiên cứu Huế nổi tiếng “Đô thành hiếu cổ B.A.V.H” ra số đầu tiên. Đây cũng là năm tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương.  

Từ những định hướng trên, Ban Tổ chức khẳng định vẫn chọn Pháp là đối tác chính tổ chức Festival Huế 2014, đồng thời quan tâm hơn đến khu vực Mỹ La tinh, Châu Phi và các nước trong khu vực ASEAN. Festival sẽ tiếp tục có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật đến từ các quốc gia thuộc 5 châu lục trên thế giới, trong đó chú trọng đến những quốc gia có mối quan hệ sâu sắc với Việt Nam và các thành phố lịch sử - nơi duy trì và bảo tồn các loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể, truyền khẩu của nhân loại.    

Bên lề hội nghị, các đại biểu tham dự cũng đã đưa ra một số kiến nghị nhằm tổ chức tốt hơn các kỳ Festival Huế tiếp theo, như: đầu tư nhiều hơn cho công tác tuyên truyền, quảng bá; thông tin chỉ dẫn cụ thể cho du khách tại các điểm di tích; tổ chức đa dạng các tour tham dự Festival Huế; gắn kết các festival nghề (năm lẻ), các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống hàng năm và Festival Huế (năm chẵn) thành một chuỗi sản phẩm phù hợp với yêu cầu của một Thành phố Festival; phát triển các sản phẩm văn hóa, du lịch có thương hiệu; sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống đặc trưng phục vụ cho nhu cầu của du khách trong thời gian tới…

Phạm Phương (TTTTDL)