Bắc Ninh là
tỉnh thuộc vùng châu thổ sông Hồng, với diện tích 822,7km2, nằm trong tam giác
phát triển kinh tế - xã hội của cả nước: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Tuy
không có lợi thế về tài nguyên du lịch thiên nhiên, nhưng Bắc Ninh được coi là
vùng đất địa linh nhân kiệt.
Có bề dày
lịch sử - văn hóa với các di tích lịch sử có giá trị văn hóa như Đền Đô, Đình
Đình Bảng, Chùa Phật Tích, Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương…; Bắc Ninh được coi
là vương quốc của lễ hội với trên 600 lễ hội được tổ chức hàng năm; hơn 60 làng
nghề thủ công như: làng tranh Đông Hồ, làng đúc đồng Đại Bái, làng gỗ Đồng Kỵ…
và đặc biệt là Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO công nhận là một di sản
văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời, với những thuận lợi về
vị trí địa lý và giao thông, Bắc Ninh có điều kiện tốt để phát triển kinh tế xã
hội nói chung, du lịch nói riêng.
Hoạt động
kinh doanh du lịch đạt nhiều kết quả tích cực
Trong những
năm qua, hoạt động kinh doanh du lịch của Bắc Ninh đã có những bước khởi sắc
đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng tổng thu bình quân hàng năm giai đoạn
2005-2010 đạt 17% năm, tương ứng với 20% lượng khách tăng lên. Trong năm 2010,
Bắc Ninh đón 196.000 lượt khách tham quan, đạt tổng thu 125 tỷ đồng; năm 2011,
đón 250.000 lượt, đạt 162 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2012, lượng khách tới Bắc
Ninh đã đạt 189.000 lượt, đạt tổng thu 120 tỷ đồng.
Hệ thống cơ
sở lưu trú du lịch của tỉnh không ngừng được phát triển. Số lượng khách sạn,
nhà nghỉ tăng nhanh cả về số lượng, quy mô và chất lượng phục vụ, đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Hiện nay,
trên toàn tỉnh có trên 250 cơ sở lưu trú, trong đó có 6 khách sạn được xếp hạng
từ 2 sao trở lên gồm 1 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 3 khách sạn 2 sao.
Công tác
tuyên truyền quảng bá du lịch của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, được tổ
chức thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có sự gắn kết, quảng bá
hình ảnh du lịch với việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch lớn
của tỉnh.
|
Di tích chùa Dâu - Bắc Ninh |
Nhiều khu
du lịch đã được hình thành và đưa vào khai thác phục vụ du khách như: Khu du
lịch Văn hóa Đền Đầm, Khu du lịch Văn hóa Quan họ Cổ Mễ, Khu du lịch Lâm Viên
Thiên Thai, Khu du lịch Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương… Nhiều tuyến điểm du
lịch đã và đang thu hút được nhiều du khách như: Đền Đô – Đình Đình Bảng – Chùa
Phật Tích, Làng gốm Phù Lãng – Chùa Dâu – Chùa Bút Tháp – Tranh Đông Hồ - làng
tương Đình Tổ - cụm di tích làng Diềm, Đền Bà Chúa Kho – Văn Miếu – Làng Diềm…
Bên cạnh
đó, du lịch tỉnh Bắc Ninh vẫn còn một số tồn tại hạn chế cần khắc phục. Các dự
án khu du lịch được coi là khâu đột phá cho du lịch, song tiến độ thực hiện
theo dự án quy hoạch còn chậm, chưa tạo được điểm hấp dẫn để thu hút và giữ
chân khi khách đến; Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn còn ít và
yếu về năng lực tài chính, cạnh tranh; Lực lượng lao động du lịch còn yếu về
năng lực và thiếu về số lượng…
Hướng đến
Năm du lịch Quốc gia 2013
Để chuẩn bị
cho Năm du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013, tỉnh Bắc Ninh đã
cử ông Nguyễn Tử Quỳnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh
Bắc Ninh tham gia vào Ban chỉ đạo và ông Nguyễn Văn Phong, Tỉnh ủy viên, Giám
đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh tham gia vào Ban tổ chức Năm du lịch Quốc gia 2013. Đồng
thời, tỉnh cũng dự kiến sẽ tham gia hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia 2013 với các
hoạt động như: Du xuân miền Quan họ, tổ chức các gian trưng bày sản phẩm văn
hóa, du lịch Bắc Ninh tại hội chợ du lịch và ẩm thực khu vực đồng bằng sông
Hồng, biểu diễn và quảng bá Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại – Dân ca
Quan họ Bắc Ninh…
Với mục
tiêu tổ chức thành công các hoạt động du lịch trong Năm du lịch Quốc gia đồng
bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013 và phát triển du lịch Bắc Ninh trong thời gian
tới, tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra các giải pháp phát triển gồm: Tăng cường công tác
quản lý nhà nước và thực hiện các dự án, đề án; Tổ chức thực hiện tốt không
gian lãnh thổ du lịch, trung tâm du lịch và các tuyến điểm du lịch theo Quy
hoạch phát triển du lịch Bắc Ninh; Quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm du
lịch đặc thù như: khu du lịch Miền Quan họ, khu du lịch Đền Đầm, khu du lịch
Làng quê Việt Vạn Ninh…; Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá du lịch với
nhiều hình thức và đa dạng về nội dung theo chủ đề “ Du lịch miền Quan họ”; Tăng
cường công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; Tăng cường
công tác Bảo tồn di sản văn hóa nhằm tạo điều kiện cho du lịch phát triển…
|
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cùng đoàn công tác của TCDL làm việc với lãnh đạo tỉnh và Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh |
Tại buổi
làm việc với tỉnh Bắc Ninh (ngày 14/6/2012) trong chương trình chuẩn bị cho
công tác tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2013 tại Hải Phòng, đoàn công tác Tổng
cục Du lịch đã đề nghị địa phương: Cần xác định đầu tư tập trung có trọng điểm
dựa vào các yếu tố đặc trưng của địa phương; Bên cạnh việc phát triển du lịch
văn hóa gắn với các khu di tích đền, chùa, làng nghề truyền thống, ngành du
lịch nên chú ý đến thu hút nhóm khách thương gia dựa trên việc phát triển các
khu công nghiệp mới; Xúc tiến quảng bá du lịch thông qua các phương tiện truyền
thông, liên kết với các cơ quan thông tin, báo chí của TCDL; Đào tạo nâng cao
kĩ năng chuyên môn cho lao động du lịch của địa phương; Chú ý đến công tác quản
lý tốt lễ hội, đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng các nhà vệ sinh đạt chuẩn
phục vụ du khách tại tuyến, điểm du lịch…
Mục tiêu
phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là đưa
Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa lớn của vùng đồng
bằng châu thổ sông Hồng và của cả nước. Tập trung khai thác có hiệu quả các
tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng,
góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo
hướng tăng dần tỷ trọng GDP du lịch dịch vụ, hỗ trợ các ngành kinh tế khác phát
triển, đảm bảo nguồn lực quan trọng phát triển đô thị Bắc Ninh trong tương lai.
Hương Lê (TTTTDL)