Sáng 26/6,
tại Đà Nẵng, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội,
Hội đồng Giao lưu Văn hóa Ấn Độ đã phối hợp tổ chức hội thảo “Văn minh Chăm,
mối liên hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ”.
Hội thảo
thu hút sự tham gia của các học giả, các chuyên gia về văn hóa Chăm của Ấn Độ
và Việt Nam.
Phát biểu
tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho
rằng: “Trong lịch sử phát triển, người Chăm đã để lại một kho tàng di sản văn
hóa phong phú và đa dạng, một trong số đó là những đền tháp hiện còn nằm rải rác tại
các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam mà tiêu biểu là khu di tích Mỹ Sơn đã
được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới và những lễ hội cổ truyền với
những giá trị xã hội to lớn cùng các di chỉ khảo cổ đã chứng minh một nền văn
hóa thể hiện bản sắc dân tộc độc đáo, có nhiều yếu tố ảnh hưởng từ văn hóa Ấn
Độ, tiêu biểu như lĩnh vực kiến trúc, nghệ thuật, tín ngưỡng và tôn giáo”.
Cũng như ở
các khu vực chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ khác ở Đông Nam Á, ngay từ đầu
công nguyên trên dải đất đồng bằng ven biển miền Trung nước ta xuất hiện một số
tiểu quốc của người Chăm. Danh xưng của vương triều này trong tư liệu của sử
sách Trung Quốc lần lượt là nhà nước Lâm Ấp (192 - 749) rồi Hoàn Vương (758 –
859) rồi Indraputra (875 – 982) và Chiêm Thành (988 – 1471). Các thế hệ tiền
nhân của người Chăm đã để lại nhiều di vật và chứng tích về sự sáng tạo văn hóa
không ngừng. Thần dân của Vương quốc Chămpa là những người Chăm sống gần biển.
Họ nói tiếng Austronesian, ngôn ngữ gọi dân tộc họ là Chăm. Người Chăm tiếp
nhận tiếng Phạn và hệ thống chữ viết bắt nguồn từ hệ thống chữ Pallava Grantha
của miền Nam Ấn Độ. Nhiều hình khắc chữ Phạn và chữ Chăm ảnh hưởng từ chữ Phạn
được tìm thấy dọc bờ biển miền Trung Việt Nam. Những dấu tích này cho thấy sự
hiểu biết sâu sắc về nền văn minh đương đại Ấn Độ, đồng thời thể hiện mối quan
hệ văn hóa và giao thương gần gũi cũng như sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ
thông qua Vương quốc Chăm.
Theo TS.
Đoàn Ngọc Khôi (Bảo tàng Quảng Ngãi), từ những thập niên 80, 90 nhiều nơi ở
miền Trung Việt Nam đã phát hiện các tượng Phật giáo Chămpa bằng đất nung. Đây
là những phát hiện quan trọng đóng góp vào nhận thức mới về sự du nhập Phật
giáo Ấn Độ và Chămpa.
Những địa
điểm được tìm thấy các tượng Phật giáo bằng đất nung ở miền Trung là Quảng Nam,
Quảng Ngãi, Phú Yên trong đó Quảng Nam tìm thấy 2 tượng Phật, Phú Yên có 1
tượng Phật, Quảng Ngãi phát hiện 1 lò đất nung để sản xuất các tượng Phật giáo.
Còn theo
PGS.TS Thành Phần (Trường ĐH KHXH và NV - ĐH Quốc gia TP. HCM), người Chăm là
một trong 54 dân tộc ở Việt Nam
có mối quan hệ văn hóa với Ấn Độ khá sớm… Mặc dù, văn tự Chăm có sự biến đổi
qua các thời kỳ lịch sử khác nhau nhưng vẫn luôn giữ những quy tắc cơ bản của
cấu trúc và hệ thống văn tự Sankrit. Điều này có thể nói rằng, văn hóa Ấn Độ và
văn hóa Việt Nam
nói chung, văn hóa Chăm nói riêng là hai nền văn hóa đã có mối quan hệ giao lưu
từ lâu đời. Ngày nay, dấu ấn của nền văn minh và văn hóa Ấn Độ đã để lại khá
đậm nét trong nền văn hóa của người Chăm từ xa xưa cho đến nay. Bằng chứng thể
hiện qua các kiến trúc đền đài, nghệ thuật kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo và
đặc biệt là văn tự Chăm.