Tiếp nối kết quả đạt được trong năm 2011 về phát triển chương trình du lịch đường sông trong đó đã và đang triển khai 3 tuyến du lịch đường sông tầm ngắn (Bến Bạch Đằng - Làng Họa Sĩ), tầm trung (Sài Gòn - Bình Dương - Củ Chi; Sài Gòn - Đồng Nai; Bến Bạch Đằng- Cần giờ) và tầm xa (đi tới các tỉnh miền Tây), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. HCM đang xây dựng kế hoạch làm việc với các quận, huyện và một số đơn vị về việc quy hoạch định hướng phát triển du lịch trên địa bàn thành phố như:
- Làm việc với Khu du lịch Vàm Sát (Cần Giờ) về những kiến nghị cần được giải quyết để tăng sức hấp dẫn điểm đến.
- Làm việc với quận 8 về định hướng phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch đường sông.
- Tổ chức cho lãnh đạo thành phố khảo sát tuyến du lịch đường sông về hướng Cần Giờ (Lòng Tàu và Soài Rạp).
Kết quả chuyến khảo sát cho thấy du lịch đường sông đang có hướng phát triển tích cực và hiệu quả, điển hình là tuyến du lịch thí điểm khám phá rừng ngập mặn Cần Giờ mới được đưa vào khai thác trong năm nay nhưng đã rất thành công, thu hút khá đông khách tàu biển quốc tế tham gia. Cùng với đó là các dự án phát triển mô hình nuôi chim yến kết hợp phát triển du lịch ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ… Một trong những việc cần làm trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển du lịch đường sông là quy hoạch, xây dựng cầu tàu tại các điểm dừng chân cùng với các dịch vụ đi kèm để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của du khách. Một số bất cập cần khắc phục để tăng tốc phát triển du lịch đường sông là chưa có bến tàu, cầu tàu du lịch đúng chuẩn, độ tĩnh không của một số cầu trên tuyến đường sông thấp.
- Triển khai chương trình “ Thành phố Hồ Chí Minh – 100 điều thú vị” lần 2 với nét mới là mở rộng tiêu thức bình chọn từ 10 lên 20 để giới thiệu tính đa dạng của các loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng. Số lượng đơn vị đoạt danh hiệu của mỗi tiêu thức cũng thu hẹp từ 10 xuống 05 nhằm nâng cao chất lượng bình chọn. Đến nay, đã hoàn tất việc Họp Hội đồng chuyên môn để tổng hợp danh sách đề cử ứng viên cho danh sách bình chọn. Qua buổi họp, Hội đồng chuyên môn đã thống nhất một số nội dung như điều chỉnh tên tiêu thức cho phù hợp với các ứng viên trong đó tiêu thức “Chợ truyền thống tiêu biểu” điều chỉnh lại là “Chợ tiêu biểu; tiêu thức “Điểm tổ chức Hội nghị triển lãm tiêu biểu” điều chỉnh thành tiêu thức “Trung tâm tổ chức Hội nghị Triển lãm tiêu biểu”. Bổ sung và điều chỉnh ứng viên cho phù hợp với tiêu thức bình chọn để tránh trùng lặp, qua đó, giới thiệu nét nổi bật của từng điểm đến, dịch vụ. Đã tổng hợp danh sách ứng viên từ đề cử của giới chuyên môn, qua đó Hội đồng chuyên môn họp thống nhất danh sách đề cử ứng viên, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố , làm cơ sở cho lễ phát động bình chọn trong tháng 6/2012 và kéo dài khoảng 45 ngày. Sau đó sẽ là lễ công bố kết quả bình chọn với danh sách 100 điều thú vị của thành phố Hồ Chí Minh trong quý 3/2012. Công tác truyền thông của chương trình được đẩy mạnh với việc vận động và thực hiện treo 1.500 cờ phướn trên các tuyến đường thành phố; phát hành 25.000 tờ rơi (đợt 1) qua Báo Người Lao động (10.000 tờ) và tại gian hàng “Thành phố Hồ Chí Minh – 100 điều thú vị” – lần II trong Ngày hội du lịch Thành phố (15.000 tờ).
- Triển khai chương trình “Dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn phục khách du lịch”:
Nhằm kích cầu và tăng doanh thu cho ngành du lịch, Sở VHTTDL thành phố đã xây dựng và triển khai thí điểm chương trình khuyến mại du lịch nhân dịp Tết nguyên đán Nhâm Thìn 2012 với sự tham gia của 40 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm và ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; chủ động làm việc với Sở Công Thương thành phố trong việc phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức tháng khuyến mại hàng năm, dự kiến tổ chức chương trình khuyến mại mua sắm du lịch định kỳ 2 lần/ năm (tháng 9 và tháng 12). Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phối hợp với Sở Công thương và Hải Quan thành phố trong việc thí điểm thực hiện chương trình hoàn thuế Giá trị gia tăng đối với hàng hóa của khách du lịch tại sân bay Tân Sơn Nhất, Sở đã nghiên cứu và dự thảo công văn đề xuất ý kiến về việc chọn lựa các cơ sở mua sắm đủ điều kiện thực hiện thí điểm chương trình, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn như việc đề nghị và được Sở Giao thông - Vận tải thành phố điều chỉnh luồng giao thông phù hợp trên đường Nguyễn Trãi, tạo thuận lợi cho các công ty lữ hành đưa khách đến tham quan mua sắm. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 70 điểm mua sắm và 44 điểm ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, góp phần đáng kế vào việc thu hút khách mua sắm, tăng doanh thu du lịch thành phố.
- Triển khai chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch:
Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn đã có kế hoạch xây dựng một trung tâm nghệ thuật chuyên phục vụ khách du lịch, với việc tập trung sửa chữa rạp Quốc Thanh (cũ) thành Nhà hát Sài Gòn, dự kiến đến tháng 8/2012 sẽ đi vào hoạt động (đã có bản vẽ thiết kế sân khấu, dự trù kinh phí khoảng 10 tỷ đồng). Để chương trình sớm triển khai thực hiện, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn đề xuất Sở VHTTDL hỗ trợ một số vấn đề như: liên hệ với các chuyên gia nghệ thuật, doanh nghiệp lữ hành kiểm duyệt, góp ý nội dung chương trình nghệ thuật trước khi công diễn phục vụ khán giả và Sở sẽ là đơn vị tổ chức, còn Tổng Công ty là đơn vị thực hiện chương trình.