(TITC) - Sáng 3/7, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Tham dự hội nghị có Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Thị Điệp; Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục.
Trong bối cảnh 6 tháng đầu năm 2012, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, phục hồi chậm, khủng hoảng nợ công kéo dài và kinh tế đình trệ tại một số nước ở châu Âu và Bắc Mỹ dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn khách du lịch đến Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ năm trước chuyển sang. Tuy nhiên theo đánh giá của Chính phủ, ngành du lịch vẫn tiếp tục phát triển. Đến tháng 6/2012, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam là 3.363.427 lượt, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2011, ước tính ngành du lịch phục vụ khoảng 17,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu du lịch đạt 75 ngàn tỷ đồng.
Các hoạt động nổi bật của ngành du lịch Việt Nam trong những tháng đầu năm gồm có hoàn thiện các đề án trình lãnh đạo Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt như: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2012 - 2015, định hướng 2020; Sửa đổi, bổ sung Nghị định 92/2007/ND-CP; Hoàn thành hồ sơ và được Bộ trưởng phê duyệt 08 Đề án đẩy mạnh thu hút khách du lịch tại các thị trường trọng điểm; Tham dự các hội chợ du lịch quốc tế và các phiên họp trong khuôn khổ hợp tác đa phương; Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương tổ chức tốt các hoạt động trong chương trình Năm du lịch quốc gia khu vực duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012; Công bố vịnh Hạ Long là Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới; Triển khai 2 nhiệm vụ đột phá theo kế hoạch của Bộ VHTTDL: “Xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch” và “Triển khai áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch trong hoạt động thống kê du lịch”…
Bên cạnh đó, các địa phương đã chủ động, sáng tạo thực hiện các giải pháp để phát triển du lịch trên các phương diện quảng bá, hình ảnh thu hút khách, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, liên kết nhằm tạo sự hợp tác phát triển du lịch, tổ chức một số sự kiện mới. Một số tỉnh/thành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch, chú trọng đến công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.
Biểu dương những kết quả mà ngành Du lịch đã đạt được, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho rằng: 6 tháng cuối năm 2012 dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn khó khăn, tác động trực tiếp đến ngành du lịch. Do đó ngành du lịch cần khai thác hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm mọi nguồn lực và lợi thế quốc gia, phát huy tính liên ngành, liên vùng, khả năng liên kết, bổ trợ trong phát triển du lịch, đặc biệt là công sức, tập trung phát huy có hiệu quả Năm du lịch quốc gia các tỉnh duyên hải Bắc Trung bộ - Huế - 2012 với chủ đề “Du lịch di sản”. Phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp là mục tiêu, là yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ và ưu tiên đào tạo nhân lực bậc cao, đội ngũ quản lý.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, trong tình hình chung còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều ngành, lĩnh vực tăng trưởng âm, ngành Du lịch được coi là một điểm sáng của nền kinh tế khi đạt tăng trưởng tốt ở cả lượng khách quốc tế đến, khách nội địa, tổng thu từ du lịch... Tuy nhiên trong thời gian tới ngành Du lịch vẫn phải đối mặt với nguy cơ suy giảm tốc độ tăng trưởng do tác động khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, thắt chặt chi tiêu ở các thị trường trọng điểm. Do vậy, Tổng cục trưởng yêu cầu các cán bộ trong ngành cần phát huy sự chủ động, nghiên cứu đề xuất các giải pháp, sáng kiến để vượt qua được những nguy cơ, thách thức này.
Hồng Thanh