Chương trình Festival văn hóa cồng chiêng 2007
Cập nhật: 07/11/2007
Nhằm tôn vinh và quảng bá rộng rãi những giá trị vô giá của di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đồng thời phục dựng lại những lễ hội dân gian đặc sắc, Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2007 sẽ được tổ chức tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Buôn Đôn từ 21 - 24/11/2007.
Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2007 sẽ đồng loạt diễn ra trên 6 sân khấu chính tại nhiều địa điểm như: Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm văn hoá thông tin (Ngã 6 Buôn Ma Thuột), Quảng trường thành phố, Công viên Phù Đổng, Trường đại học Tây Nguyên và Trung tâm du lịch sinh thái - văn hoá Buôn Đôn.
Tại thành phố Buôn Ma Thuột, sân khấu chính sẽ được đặt tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk (khu biệt điện Bảo Đại cũ). Đây là khu vực lý tưởng để diễn ra lễ khai mạc và bế mạc cho Festival, bởi có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi thích hợp để tái hiện hoạt cảnh trong trường ca “Đam San đi tìm mặt trời” cũng như góp phần tạo âm hưởng và không gian huyền thoại cho tiếng cồng chiêng vang vọng cả đại ngàn mênh mông. Cùng với sân khấu chính, Ban Tổ chức sẽ thiết lập thêm 4 sân khấu treo (trên ngọn cây) để tạo điều kiện biểu diễn đồng thời của nhiều ban nhạc, tạo sự bất ngờ cho du khách khi tham gia lễ hội.
Festival diễn ra trong 4 đêm:
Đêm thứ nhất với chủ đề ĐÊM RỪNG GIÀ: Tái hiện cảnh chàng Đam San đi tìm mặt trời trong hoà âm giữa các dàn nhạc giao hưởng phương Tây với 20 dàn cồng chiêng trong và ngoài nước và âm vang tiếng nhạc của các bài hát về Tây Nguyên như: Vòng xoang Jarai, Hơjen lên rẫy, Xôn xang cao nguyên, Tiếng chiêng Tơlangpút, Mưa cao nguyên, Đi tìm nữ thần mặt trời, Ngọn lửa cao nguyên… Đặc biệt, để ĐÊM RỪNG GIÀ tái hiện được cuộc sống đầy hào hùng của cha ông thời tiền sử thì không thể thiếu voi và Ban Tổ chức đã quyết định đưa những chú voi Buôn Đôn hùng dũng cùng tham gia trình diễn nhằm giúp cho hoạt cảnh này trở nên sinh động hơn, thực hơn và cũng huyền thoại hơn.
Đêm thứ hai với chủ đề ĐÊM HUYỀN DIỆU: Trong ánh sáng laze huyền ảo, có sự tham gia biểu diễn của nhiều ảo thuật gia đến từ khắp mọi miền đất nước và những vũ điệu huyền bí mang đậm sắc màu của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Cũng trong đêm này, du khách sẽ được xem tái hiện lễ hội cúng cơm mới của người Xêđăng… Tất cả diễn ra trong tiếng cồng chiêng rộn ràng và âm vang sâu lắng, vừa thiết tha, vừa hùng vĩ, vừa dịu dàng lại rất huyền bí…
Đêm thứ ba với chủ đề ÂM VANG TÂY NGUYÊN: Với sự tham gia biểu diễn của nhiều đoàn ca múa nhạc như: Ca múa nhạc Đắk Lắk, Ca múa nhạc Đam San, Ban nhạc BaZan, Da Vàng, The BamBoo và nhiều ca sỹ Tây Nguyên với chất giọng “bốc lửa” như: Y Moan, Siu Black, Y Zắk… cùng nhiều ca sỹ trong và ngoài nước thể hiện thành công các ca khúc về Tây Nguyên như: Ly cà phê Ban Mê, Tháng ba Tây Nguyên, Chuyện tình thảo nguyên, Giấc mơ Chapi, H’Giang làm lúa nước, Bóng cây Kơ Nia, Lời ru trên nương, Sông Đắk Rông mùa xuân về, Ngọn lửa cao nguyên, Còn yêu nhau thì về Buôn Ma Thuột…
Đêm thứ tư với chủ đề BAY LÊN CÁNH CHIM MẶT TRỜI: Ngoài sân khấu chính, Ban Tổ chức còn thiết kế hệ thống sân khấu mở để tái hiện hoạt cảnh Lễ hội Lửa của đồng bào Tây Nguyên trong ánh sáng bập bùng, tiếng cồng chiêng rộn ràng đưa du khách về với cuộc sống cộng đồng đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Đặc biệt, khi tham gia Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2007, du khách sẽ không thể bỏ qua các hoạt động chính của lễ hội như: Tại quảng trường TP. Buôn Ma Thuột sẽ có hoạt động của các đoàn cồng chiêng của 5 tỉnh Tây Nguyên như: Ê Đê ở Đắk Lắk, Bâhnar và JRai ở Gia Lai, Sê Đăng và RNgao ở Kon Tum, M’Nông ở Đắk Nông, K’Ho và Mạ ở Lâm Đồng; các hoạt động sản xuất: đan gùi, làm rượu cần hay chế tác nhạc cụ dân tộc, chỉnh chiêng…; tái hiện các lễ hội cộng đồng như: Lễ cầu mưa của người M’Nông, Lễ cưới của người Mạ, Lễ ăn cơm mới của người Ê Đê, Lễ mừng năm mới của người Sê Đăng, Lễ mừng mùa của người Jrai và các trò chơi dân gian Tây Nguyên.
Mở đầu Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên sẽ là Lễ hội đường phố với cuộc diễu hành của 20 con voi, kéo theo 20 xe hoa. Trên mỗi bành voi, ngoài một nài voi, còn có đôi nam nữ thanh niên trong trang phục nguyên gốc của các dân tộc thiểu số tham gia Festival lần này: Ê Đê, Thái (Đắk Lắk), M’Nông (Đắk Nông), Jrai, Bâhnar (Gia Lai), Sê Đăng, Tr’iêng, Bâhnar Rngao (Kon Tum), K’Ho, Mạ, Churu (Lâm Đồng), Chăm Hroaih (Phú Yên), Bâhnar Chăm (Bình Định), Ca Tu (Quảng Nam), Cor, Ka Dong (Quảng Ngãi), Bru Vân Kiều (Quảng Trị), Rakglei (Khánh Hoà), Mường (Hoà Bình) và Khmer (Sóc Trăng)…
Ngoài các hoạt động phong phú diễn ra tại Quảng trường thành phố, ở các sân khấu khác như: công viên Phù Đổng, Đại học Tây Nguyên, Trung tâm văn hoá thông tin tỉnh Đắk Lắk, cũng đồng loạt diễn ra nhiều chương trình ca nhạc, biểu diễn cồng chiêng và các trò chơi dân gian khác. Những người tham dự cũng có dịp để thưởng thức những món ăn và hương vị độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tại chương trình Đêm ẩm thực được tổ chức vào tối 23/11/2007.
Còn tại Buôn Đôn, các hoạt động trong khuôn khổ Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2007 cũng sôi động không kém như: Tục hát giao duyên của người Sê Đăng ở Kon Tum, Lễ cầu lửa của người Ê Đê và M’Nông ở Buôn Đôn, Lễ cầu lúa mới của người Bâhnar ở GiaLai, Lễ cúng sức khoẻ cho voi, Hội săn voi, Hội đua voi ở Đắk Lắk và một số trò chơi dân gian Tây Nguyên….
Cũng trong khuôn khổ của Festival này, tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức hội thảo khoa với chủ đề “Không gian văn hóa cồng chiêng - thực trạng tồn tại và giải pháp bảo tồn” với sự tham gia của các cơ quan quản lý văn hoá thông tin nhiều tỉnh như: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên, Khánh Hoà... cùng với nhiều bài tham luận quan trọng, có tính khoa học cao của đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian nổi tiếng với nhiều chủ đề phong phú như: Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên với UNESCO, Kinh nghiệm nhạc phổ hoá giai điệu & tiết tấu cồng chiêng, Không gian văn hoá cồng chiêng trong Sử thi Tây Nguyên, Lễ hội với đời sống cồng chiêng Tây Nguyên, Không gian cồng chiêng trong luật tục các dân tộc Tây Nguyên, Quảng bá & giới thiệu cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Tây Nguyên trong Không gian văn hoá cồng chiêng, Vai trò của Nghệ thuật tạo hình trong không gian văn hoá cồng chiêng, Âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống hiện tại, Khôi phục môi trường diễn xướng Tây Nguyên, Văn học truyền miệng trong không gian văn hoá cồng chiêng, Công tác sưu tầm & biên dịch sử thi Tây Nguyên, Công tác nghiên cứu văn hoá dân gian bản địa ở Đắk Lắk những năm qua...
www.svhtt.hochiminhcity.gov.vn
|
|
|