Bình Thuận và đêm hội tôn vinh những kỷ lục Việt Nam
Cập nhật: 24/10/2007
Nằm trong khuôn khổ Ngày Du lịch Bình Thuận năm 2007, tối ngày 23/10/2007, Công ty Cổ phần Kỷ lục - VIETKINGS phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức “Đêm hội tôn vinh kỷ lục Việt Nam và Ngành du lịch Bình Thuận - 2007” tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP. Phan Thiết.
Trong đêm hội, 9 kỷ lục Việt tại Bình Thuận chính thức được xác lập, là niềm tự hào cho chính quyền và nhân dân địa phương. Sự kiện này cho thấy, những cái nhất Việt Nam mà Bình Thuận sở hữu ngày càng tiếng tăm và được trân trọng ghi nhận…
Trước tiên, kỷ lục: “Địa phương có diện tích trồng thanh long nhiều nhất Việt Nam” là hoàn toàn chính xác. Ước tính đến hết năm 2007, diện tích cây thanh long của Bình Thuận đã chạm ngưỡng 9.000ha - con số vô địch mà không địa phương nào sánh kịp. Với những ưu điểm có vị ngọt lẫn độ chắc cao, tai dài và xanh hơn nơi khác nên thanh long Bình Thuận được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tháng 11/2006, Cục Sở hữu trí tuệ cũng công nhận xuất xứ hàng hóa cho trái thanh long Bình Thuận và sản phẩm lợi thế này đã có mặt ở nhiều thị trường lớn trên thế giới…
Tiếp đến, Bình Thuận cũng ghi tên mình vào kỷ lục “Địa phương có resort - hotel nằm dọc biển nhiều nhất Việt Nam”. Với chiều dài bờ biển 192km từ mũi Đá Chẹt (giáp Cà Ná - Ninh Thuận) đến bãi bồi Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu), ở đâu có tiềm năng là ở đó có nhà đầu tư “đổ vốn” làm du lịch. Trong số gần 390 dự án du lịch còn hiệu lực, thì hầu hết tập trung dọc các bờ biển tại Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, La Gi, Tuy Phong… được xây dựng bằng nhiều phong cách khác nhau, nhưng đều hài hòa với thiên nhiên miền biển.
“Phan Thiết - địa phương có thương hiệu sản xuất nước mắm đầu tiên tại Việt Nam” là kỷ lục luôn được địa phương mong đợi; bởi từ lâu người dân nơi đây đã cho ra đời nước mắm Phan Thiết vào đầu thế kỷ 19 (năm 1809). Đặc biệt, năm 1906, Liên Thành hội quán - tiền thân của Công ty nước mắm Liên Thành cũng được thành lập tại đây, từ đó thương hiệu nước mắm Phan Thiết càng trở nên nổi tiếng khắp mọi miền…
Chắc hẳn chùa Phật Quang tại TP. Phan Thiết không xa lạ với mọi người vì đang sở hữu khá nhiều cái nhất độc đáo. Nay, VIETKINGS chính thức công nhận chùa Phật Quang là “Ngôi chùa có mõ gia trì bằng gỗ lớn nhất Việt Nam”. Hiện mõ gia trì được đặt ngay chánh điện của chùa với mục đích yểm trợ âm thanh cho việc tụng kinh. Mõ có chiều cao 0,8m và chiều ngang 0,92m, được làm bằng gỗ mít mà theo quan niệm nhà Phật gọi là “gỗ mít âm dương” (tức một phần gỗ trên mặt đất, một phần gỗ dưới mặt đất). Được biết, miếng gỗ mít này có xuất xứ từ huyện Lệ Thủy - Quảng Bình, được 3 người thợ Quảng Nam chế tác thành…
Trên địa bàn Phan Thiết còn ghi thêm kỷ lục “Đồi cát Mũi Né - đồi cát thay đổi hình dạng tự nhiên nhiều nhất Việt Nam”. Có diện tích rộng gần 50ha, cát ở đây chủ yếu là màu vàng, trắng ngà, đỏ sậm và đỏ nhạt trộn lẫn vào nhau trông rất đẹp mắt. Sau mỗi đợt gió lớn hoặc trải qua một ngày đêm thì diện mạo của đồi cát Mũi Né trở nên mới nguyên, khác hẳn với những hình dạng trước đó…
Trải dài một phần bờ biển của xã Bình Thạnh - huyện Tuy Phong, bãi đá Cổ Thạch được công nhận là “Bãi đá có hình dạng, màu sắc nhiều nhất Việt Nam”. Nằm trong Khu du lịch Cổ Thạch, bãi đá có chiều dài khoảng 1,5km, là nơi quy tụ những viên đá nhỏ đủ màu sắc và hình dạng, có trữ lượng lên đến gần 245.000 tấn. Nước biển trong xanh cùng bãi đá nhiều màu và những di tích kiến trúc, Cổ Thạch thực sự là điểm tham quan lý tưởng cho du khách khi ghé Bình Thuận…
Cũng tại Tuy Phong, Công ty cổ phần nước khoáng Vĩnh Hảo đã được xác lập kỷ lục “Doanh nghiệp đầu tiên nuôi trồng tảo quý Spirulina ở Việt Nam”. Nhờ điều kiện tự nhiên mưa ít, nắng nhiều và có nguồn nước khoáng kiềm giàu bicarbonat, nên doanh nghiệp tập trung đầu tư thành điểm nuôi tảo với quy mô đại trà. Tảo Spirulina đã từng được Tổ chức FAO và WHO công nhận là nguồn dinh dưỡng quý, có công dụng tốt đối với sức khỏe cũng như thể chất con người…
Đối với 2 kỷ lục Việt Nam còn lại được VIETKINGS công nhận thuộc về Ban Quản lý Quan Đế Miếu (chùa Ông). Đó là kỷ lục: “Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân lớn nhất Việt Nam” và “Rồng Xanh dài nhất Việt Nam”. Lễ hội Nghing Ông của cộng đồng người Hoa tại Bình Thuận diễn ra trong 3 ngày, có sự tham gia trực tiếp từ 1.200 - 1.500 người, thu hút hàng chục vạn người dân và khách du lịch khắp nơi. Còn Rồng Xanh (Thanh Long) có chiều dài 49m, có màu xanh lá cây được làm cách đây trên 100 năm. Để thực hiện các động tác xoay chuyển, thân rồng cần đến 3 đội với khoảng 120 người thay phiên nhau múa. Riêng đầu rồng cần đến 7 người khiêng, còn quả châu đi kèm thì cần 5 người phụ trách.
Trong chương trình tôn vinh những kỷ lục Việt Nam tại Bình Thuận vào tối ngày 23/10/2007, người dân địa phương đã có dịp gặp gỡ MC vui tính Thanh Bạch và đón tiếp nhiều kỷ lục gia ở các nơi như: Mạc Can và Hồ Kiểng thể hiện tài nghệ của các kỷ lục qua tiểu phẩm hài, Quốc Thái với phần trình diễn vọng cổ, Tòng Sơn biểu diễn khẩu cầm. Hồi hộp nhất là cảnh đóng thế trong phim “Đốt cháy người” do nhóm Quốc Thịnh tái hiện, còn võ sư Nguyễn Quang Hiển thì dùng đầu đập gạch, Kim Tuấn kéo xe tải qua sân khấu, Nguyễn Văn Diệu phun sữa và bơm ruột xe bằng mắt…
Báo Bình Thuận
|
|
|