(TITC) - Hải Dương có diện tích tự nhiên 1.664km2, nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, thuộc tâm điểm của tam giác tăng trưởng kinh tế phía Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh). Đây là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, gắn liền với tên tuổi của nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa như Khúc Thừa Dụ (?-907), Trần Hưng Đạo (1232-1300), Mạc Đĩnh Chi (1272-1346), Chu Văn An (1292-1370), Nguyễn Trãi (1380-1442)...
Hệ thống các di tích lịch sử văn hóa ở Hải Dương rất phong phú với trên 3000 di tích, tiêu biểu là di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền Cao, Văn Miếu Mao Điền, đền Tranh,…trong đó có 148 di tích đã được xếp hạng quốc gia. Hải Dương còn có nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú như núi Côn Sơn, núi Phượng Hoàng, núi An Phụ, núi Dương Nham, động Kính Chủ,...cùng các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn như sông Hương, đảo Cò Chi Lăng Nam. Bên cạnh đó, Hải Dương còn nổi tiếng với các làng nghề truyền thống như: làng múa rối nước Hồng Phong, gốm Chu Đậu, vàng bạc Châu Khê, chạm khắc gỗ Đông Giao, thêu Hưng Đạo,… và nhiều đặc sản địa phương như bánh đậu xanh, vải Thanh Hà, bánh gai Ninh Giang,…
Với vị trí địa lý thuận lợi và nguồn tài nguyên du lịch phong phú, Hải Dương có nhiều thế mạnh để phát triển loại hình du lịch văn hóa, tâm linh và sinh thái, nghỉ dưỡng.
Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc
Trong những năm qua, hoạt động du lịch của Hải Dương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Lượng khách du lịch lưu trú tăng từ 303.000 lượt năm 2006 lên 666.870 lượt năm 2011 (tốc độ tăng trưởng trung bình 17,9%/năm). Lượng khách không lưu trú tăng từ 797.000 lượt năm 2006 lên 1.783.130 lượt vào năm 2011 (tốc độ tăng trung bình 21,2%/năm). Tổng thu từ du lịch tăng từ 390 tỷ đồng năm 2006 lên 849,2 tỷ đồng năm 2011 (tốc độ tăng trung bình 16,8%/năm). Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh đã đón khoảng 368.818 lượt khách lưu trú (tăng 10,23% so với cùng kì năm 2011), trong đó khách quốc tế đạt 73.444 lượt (tăng 3,55% so với cùng kì năm 2011), khách nội địa đạt 295.374 lượt (tăng 12,02% so với cùng kì năm 2011); tổng thu từ du lịch đạt 465,7 tỷ đồng (tăng 8,99% so với cùng kì năm 2011), trong đó thu từ dịch vụ ăn uống và hàng hóa là 237 tỷ đồng, chiếm 50,9%.
Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh liên tục được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng. Tổng số cơ sở lưu trú trên toàn tỉnh tính đến cuối tháng 5/2012 là 138 cơ sở, với 3000 phòng nghỉ, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 1 khách sạn 3 sao, 9 khách sạn 2 sao, 7 khách sạn 1 sao và các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư xây dựng các điểm dừng chân; vui chơi, giải trí; tăng cường các phương tiện vận chuyển khách du lịch đồng thời không ngừng bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách.
|
Bên cạnh việc phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh như Côn Sơn-Kiếp Bạc, Kính Chủ-An Phụ; tuyến du lịch sinh thái Hải Dương-đảo cò Chi Lăng Nam-Múa rối nước Hồng Phong-đền Tranh; làng tiến sỹ Mộ Trạch-Văn miếu Mao Điền; tuyến du lịch tổng hợp tham quan các di tích lịch sử, làng nghề, sinh thái..., tỉnh Hải Dương còn chú trọng hình thành các tuyến du lịch liên tỉnh như Hải Dương-Quốc lộ 18-Hạ Long-cửa khẩu Móng Cái-Trung Quốc; Hải Dương-Bắc Ninh-Lạng Sơn-cửa khẩu Hữu Nghị quan-Trung Quốc; Hải Dương-Hải Phòng; Hải Dương-Bắc Giang-Lạng Sơn.
Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được tỉnh quan tâm đầu tư. Đến nay, Hải Dương đã phát hành các ấn phẩm quảng bá du lịch tỉnh như sách, tập gấp, bản đồ, VCD cũng như tham gia các hội chợ triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc của du lịch Hải Dương đến bạn bè trong nước và quốc tế. Đặc biệt, năm 2010, Sở VHTTDL tỉnh đã phát động cuộc thi “Sáng tác biểu tượng và khẩu hiệu du lịch Hải Dương”. Kết thúc cuộc thi, ban tổ chức đã lựa chọn slogan “Hải Dương thân thương quyến rũ” và logo là một đường tròn với tông màu xanh chủ đạo cùng hình ảnh lá cờ lễ hội đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ được tạo dáng theo hình cánh cò đang cất cánh. Logo đã thể hiện được cả hai thế mạnh của du lịch Hải Dương, đó là du lịch văn hóa – lịch sử và du lịch sinh thái.
Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Hải Dương vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Ngành du lịch tỉnh vẫn chưa tạo được sự hấp dẫn đặc biệt, nổi trội so với những địa phương khác; những sản phẩm du lịch đặc thù, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao vẫn chưa được hình thành rõ nét, cho đến nay tỉnh chưa có khu du lịch tổng hợp đạt tiêu chuẩn quốc gia; cơ sở hạ tầng du lịch và vui chơi giải trí chưa đáp ứng được yêu cầu; hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch chưa có chiến lược dài hạn, thiếu tính chuyên nghiệp, quy mô hạn chế; số ngày lưu trú của khách thấp (bình quân 1,3 ngày); tỷ trọng GDP du lịch chỉ chiếm khoảng 2% GDP của tỉnh,…
Định hướng phát triển du lịch trong những năm tới
Với mục tiêu đến năm 2020 phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch mang nét đặc thù riêng của tỉnh như: du lịch lễ hội, nghỉ dưỡng, làng nghề truyền thống, đặc biệt là du lịch văn hóa và sinh thái, UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hải Dương đến năm 2020”, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, mở rộng thị trường, gắn hoạt động du lịch của tỉnh với các vùng và của cả nước. Theo đó, hai quy hoạch chi tiết được xây dựng và phê duyệt là quy hoạch chi tiết khu du lịch văn hóa An Phụ - Kính Chủ (huyện Kinh Môn) và khu du lịch sinh thái đảo cò Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện). Đặc biệt, quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích lịch sử Côn Sơn – Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch thị xã Chí Linh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển Côn Sơn – Kiếp Bạc thành khu du lịch quốc gia.
Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương cũng đã xây dựng một số đề án phát triển du lịch như: đề án thành lập Trung tâm xúc tiến du lịch Hải Dương; chương trình xúc tiến du lịch giai đoạn 2012-2015; quy chế công nhận khu, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Hải Dương, quy định một số chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch…
Vừa qua, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch cũng đã có buổi làm việc với UBND và Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương về công tác chuẩn bị cho Năm Du lịch Quốc gia 2013. Trên cơ sở nắm bắt tình hình phát triển du lịch của địa phương trong thời gian qua, định hướng phát triển du lịch tỉnh trong thời gian tới, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch đã có những ý kiến đóng góp để du lịch Hải Dương phát triển đúng hướng và có bước đột phá trong thời gian tới như cần phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm (phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng,…); đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch (trạm dừng chân kết hợp phục vụ mua sắm, các điểm vui chơi, giải trí,…); tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; quảng bá rộng rãi về du lịch Hải Dương; quan tâm đến môi trường; tập trung đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường phối hợp với Tổng cục Du lịch và các địa phương trong việc quy hoạch phát triển du lịch.
Hướng đến năm du lịch quốc gia 2013
Để chuẩn bị cho Năm du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013, tỉnh Hải Dương đã cử đồng chí Đặng Thị Bích Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham gia Ban chỉ đạo và đồng chí Lương Văn Cầu, Giám đốc Sở VHTTDL tham gia Ban tổ chức Năm du lịch Quốc gia 2013. Đồng thời, tỉnh cũng dự kiến sẽ tổ chức 2 sự kiện hưởng ứng là Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc và chương trình du lịch Làng gốm cổ Chu Đậu nhằm khẳng định vị thế của ngành du lịch địa phương trong khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.
Với mục tiêu tổ chức thành công các hoạt động hưởng ứng của tỉnh cho Năm du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013, tỉnh đã thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến về sự kiện Năm du lịch Quốc gia đến các đơn vị liên quan và đông đảo người dân; tiến hành khảo sát toàn bộ các khu, tuyến, điểm du lịch để đề xuất việc chỉnh trang, sẵn sàng đón khách…
Hy vọng, trong thời gian tới, cùng với việc phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương đồng thời tiếp thu những định hướng đúng đắn của Tổng cục Du lịch, du lịch Hải Dương sẽ tạo được những đột phá, trở thành điểm đến du lịch văn hóa và sinh thái độc đáo, tiêu biểu của khu vực phía Bắc.
Thu Giang