Hà Tĩnh phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sau năm 2015
Cập nhật: 19/07/2012
(TITC) - Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung bộ, có diện tích tự nhiên hơn 6.000 km2, với địa hình đa dạng, bao gồm cả núi đồi, trung du, đồng bằng và biển; nằm trên “Tuyến du lịch xuyên Việt”, tuyến du lịch “Con đường Di sản Miền Trung”, có cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Hà Tĩnh là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng với 72 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng quốc gia trên địa bàn, tiêu biểu như khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du  - danh nhân văn hoá thế giới; khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc; Khu bảo tồn thiên nhiên Hồ Kẻ Gỗ… Hà Tĩnh có 137 km bờ biển với những bãi tắm đẹp cát trắng, làn nước trong xanh như Thiên Cầm, Xuân Thành, Thạch Hải…  

Ngoài ra, Hà Tĩnh còn nổi tiếng với những làn điệu Ca Trù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Tỉnh cũng đang phối hợp với Nghệ An lập hồ sơ đề nghị công nhận dân ca ví dặm xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và đã được đưa vào danh mục lập hồ sơ trình Chính phủ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tất cả đã tạo ra lợi thế lớn để Hà Tĩnh phát triển kinh tế du lịch của địa phương.  

Du lịch ngày càng có những đóng góp lớn cho sự phát triển của địa phương. Lượng khách du lịch đến Hà Tĩnh ngày một tăng thêm. Năm 2011, tổng lượng khách du lịch đạt 721.380 lượt, tăng 37% so với năm 2010; tổng thu đạt 256,3 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2010. Trong 6 tháng đầu năm 2012, lượng khách đến Hà Tĩnh đạt 464.804 lượt, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2011; tổng thu đạt 218,7 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2011.  

Bên cạnh tiềm năng lợi thế và kết quả đã đạt được, du lịch Hà Tĩnh cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức: nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có sự phân biệt rõ rệt giữa mùa nắng và mùa mưa, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí đầu tư cho phát triển du lịch còn hạn chế, tài nguyên du lịch phân bố không tập trung, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu, khai thác du lịch phần lớn đang ở dạng tự nhiên, mang tính thời vụ, chưa có nhiều sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương…  

Trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sau năm 2015, thu hút khách du lịch nhiều hơn, nâng cao nguồn thu nhập từ du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng dịch vụ du lịch vào GDP của tỉnh; Phấn đấu đến năm 2015, tổng lượng khách tới Hà Tĩnh đạt trên 1,3 triệu lượt, đạt tổng thu từ du lịch 500 tỷ đồng.  

Với mục tiêu đó, tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra một số giải pháp phát triển du lịch địa phương trong thời gian tới như: Hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Tĩnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch, dịch vụ; Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, kêu gọi đầu tư để thu hút khách và thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ; Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tăng cường củng cố và phát triển các trung tâm lữ hành quốc tế và nội địa…; trong năm 2012, tổ chức thành công các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia các tỉnh duyên hải Bắc Trung bộ trên địa bàn tỉnh với 3 chuỗi sự kiện chính: Lễ hội Bài ca Đồng Lộc (tháng 7-8/2012); Giao lưu văn hóa – thể thao – du lịch Việt Lào (tháng 8-9/2012) và các hoạt động đón bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt cho khu di tích Nguyễn Du mở đầu cho các hoạt động hướng tới kỷ niệm 250 năm năm sinh Danh nhân văn hóa thế giới – Đại thi hào dân tộc (tháng 10-11/2012).  

Trong buổi làm việc với UBND, Sở VHTTDL và các ban ngành liên quan của tỉnh Hà Tĩnh vào đầu tháng 7 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã nhấn mạnh: Trong phát triển du lịch, Hà Tĩnh nên quan tâm tới thị trường khách nội muốn trải nghiệm về lịch sử, văn hóa, thăm chiến trường xưa và các đối tượng khách là các chuyên gia, doanh nhân tại các khu công nghiệp, khách quốc tế trên tuyến hành lang Đông - Tây. Thời gian tới, Hà Tĩnh cần có bước đột phá, phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, có quy hoạch tổng thể và chi tiết; cần tập trung nguồn lực để xây dựng khu lưu niệm Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ , khu du lịch biển Thiên Cầm, khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc… sớm đạt tiêu chí điểm du lịch quốc gia và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tỉnh cần nâng cao chất lượng dịch vụ nhà hàng, khách sạn; quan tâm đến chất lượng dịch vụ, môi trường; tạo nhiều sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương; tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Du lịch. Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ Hà Tĩnh trong công tác xúc tiến, quảng bá, đào tạo, tư vấn về chuyên môn, xây dựng sản phẩm.

 

Hương Lê