Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích (KDT) thành Cổ Loa tỷ lệ 1/2000.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu quy hoạch sẽ gồm KDT thành Cổ Loa và phụ cận, trên địa bàn các xã Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, quy mô khoảng 860ha. Mục tiêu quy hoạch là bảo tồn, tôn tạo, hướng tới xây dựng và tôn vinh KDT thành Cổ Loa trở thành “Công viên Lịch sử - Sinh thái - Nhân văn” của Thủ đô Hà Nội và là khu di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Nhiệm vụ quy hoạch đề cập 3 nội dung chính. Nhiệm vụ thứ nhất là Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 KDT thành Cổ Loa. Theo đó, đồ án quy hoạch sẽ phải đề xuất giải pháp bảo tồn cấu trúc di sản vật thể khu di tích, gồm các di tích lịch sử - văn hóa và cảnh quan thiên nhiên có giá trị trên cơ sở các luận cứ lịch sử, khoa học và thực tế.
Quần thể di tích thành Cổ Loa gồm 3 vòng thành lũy (Thành Nội, Thành Trung và Thành Ngoại), cổng thành, đình, đền, điếm, miếu và các di chỉ khác phải được xác định danh mục, ranh giới bảo vệ.
Bên cạnh các giải pháp bảo tồn, tôn tạo cảnh quan khu vực di tích phù hợp để tôn vinh, chống xuống cấp và không làm mất đi giá trị di tích, đồ án quy hoạch cũng phải đề xuất giải pháp phục hồi, tôn tạo các cảnh quan xung quanh di tích và các giải pháp đối với khu vực lấn chiếm di tích. Nhiệm vụ quy hoạch cũng yêu cầu đề xuất các giải pháp khai thác không gian di tích phát triển du lịch theo hướng lựa chọn một vài địa điểm trong khu vực có giá trị nội hàm cao về văn hóa - lịch sử KDT thành Cổ Loa, để có thể nghiên cứu phục dựng ở mức độ cho phép tái hiện hình ảnh lịch sử nhằm phục vụ du lịch.
Đặc biệt, đồ án quy hoạch cũng phải đề xuất các giải pháp tổ chức không gian khu vực sinh thái cảnh quan tự nhiên như khôi phục, cải tạo và làm mới hệ thống mặt nước trong khu di tích, đảm bảo liên kết hệ thống nước trong khu dân cư, hệ thống hào thành, đầm, sông Hoàng Giang với sông Đuống, sông Hồng và đầm Vân Trì; thiết lập các khu vực sinh thái cảnh quan tự nhiên, gồm vùng sinh thái nông nghiệp, công viên cây xanh, vườn hoa gắn với khu dân cư và các di tích...
Nhiệm vụ thứ hai mà tờ trình đề cập là việc triển khai đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị KDT thành Cổ Loa. Đề án sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể với nhóm giải pháp như đầu tư xây dựng, phát triển không gian và hạ tầng kỹ thuật KDT, đề xuất danh mục các dự án, hình thức quản lý dự án, lộ trình và tổng mức đầu tư, đề xuất danh mục các dự án liên quan đến công tác tu bổ di tích như đền bù GPMB các công trình thuộc ranh giới bảo vệ di tích, các dự án tu bổ di tích, di chỉ hiện có, các dự án khảo cổ...; đề xuất danh mục các dự án bảo tồn các giá trị di sản văn hóa môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên gắn liền với di tích, các giải pháp sưu tầm, phân loại hiện vật và xây dựng nội dung trưng bày...
Nhiệm vụ thứ ba là xây dựng Quy chế quản lý đầu tư xây dựng và bảo tồn, phát huy giá trị KDT thành Cổ Loa, bảo đảm tính khả thi. Theo đó, bên cạnh các quy định quản lý chung như quy định về phạm vi và đối tượng áp dụng đối với các hạng di tích cấp quốc gia và cấp TP, các đối tượng tham gia bảo vệ di tích gồm các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế..., cần có các quy định quản lý cụ thể về khu vực bảo vệ và tu bổ di tích trong khu vực bảo vệ theo yêu cầu của Luật Di sản; các quy định về tu bổ và tôn tạo di tích, di chỉ riêng lẻ; quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị KDT; các quy định quản lý đầu tư xây dựng; trách nhiệm của các Sở, Ban Ngành và chính quyền các cấp...
Sau khi Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt, đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị KDT thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) sẽ được thực hiện trong 12 tháng.
Trung tâm Bảo tồn di tích Thăng Long - Hà Nội là chủ đầu tư, Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) là tư vấn lập quy hoạch đồ án. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL thẩm định và UBND TP Hà Nội (theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ) sẽ phê duyệt quy hoạch.