Đắk Nông phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực miền Trung – Tây Nguyên
Cập nhật: 26/07/2012
(TITC) - Đắk Nông nằm ở cửa ngõ phía nam của khu vực Tây Nguyên, có quốc lộ nối với các trung tâm kinh tế, du lịch lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột.

 

Đắk Nông được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều thác nước hoang sơ, hùng vĩ như thác Ba Tầng, Liêng Nung, Dray Sáp, Gia Long... cùng hệ thống hồ, đập lớn như hồ thủy điện Đồng Nai với gần 4000ha mặt nước nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, hồ Trung Tâm, hồ thủy điện ĐắkR’tih… Đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Đắk Nông còn là vùng đất hội tụ nhiều dân tộc anh em với những lễ hội truyền thống đa dạng, phong phú như: lễ sum họp cộng đồng (dân tộc M’Nông), lễ cúng thần rừng (dân tộc Mạ), lễ cúng lúa mới (dân tộc Jrai)... Bên cạnh đó, những tinh hoa văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc cũng đang được Đắk Nông bảo tồn khá tốt, từ những bộ đàn đá, những điệu múa, lời ca của đồng bào các dân tộc M’Nông, Mạ, Ê Đê ; bộ sử thi Ót N’Rông của đồng bào dân tộc M’Nông cho đến các sản phẩm làng nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc và đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - kiệt tác di sản văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận.

 Không chỉ có vậy, nhiều di tích lịch sử - cách mạng ở Đắk Nông đã được công nhận cấp quốc gia như: Khu căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV, địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; các di tích của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp do N’Trang Lơng lãnh đạo (đồn Buméra, bia Henry Maitre, Bon Bu Nơr), Ngục Đắk Mil...

 

Kết quả hoạt động du lịch còn khiêm tốn

 

Mặc dù có tiềm năng rất lớn để phát triển đa dạng các loại hình du lịch như sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, văn hóa, về nguồn… nhưng điểm đến Đắk Nông chưa được đậm nét trên bản đồ du lịch Việt Nam. Là một tỉnh mới, được tách ra từ tỉnh Đắk Lắk vào năm 2004, nên cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch của Đắk Nông còn kém phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao và khoảng 8 khách sạn đạt tiêu chuẩn.

 

Kết quả hoạt động du lịch của Đắk Nông trong những năm vừa qua còn hết sức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh. Năm 2011, toàn tỉnh mới đón hơn 140.000 lượt khách du lịch (tăng 1,4% so với năm 2010), trong đó khách quốc tế đạt 7.200 lượt (tăng 41% so với năm 2010). Tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, có 74.987 lượt khách đến Đắk Nông, trong đó có 2.890 lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt 11,3 tỷ đồng (tăng 15,4% so với cùng kì năm trước). 

 

Các mục tiêu phát triển du lịch Đắk Nông đến năm 2015, định hướng đến năm 2020

 

Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đắk Nông giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020 mới được điều chỉnh bổ sung theo nghị quyết số 09/2012/NQ-HĐND ngày 31 tháng 5 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh, Đắk Nông phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng GDP du lịch; định hướng đến năm 2020, Đắk Nông trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên.

 

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh du lịch để đa dạng hóa các sản phẩm, loại hình du lịch và chất lượng dịch vụ nhằm tạo ra bước đột phá; phát triển các loại hình du lịch chính là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, mạo hiểm, du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa, lịch sử địa phương; đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển thời kỳ hội nhập; phát triển du lịch một cách bền vững trên cơ sở gìn giữ và tôn tạo tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển du lịch nội địa; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật để thu hút khách quốc tế…

 

Cụ thể, năm 2015 tỉnh phấn đấu đón 224.000 lượt khách, trong đó có 208.000 lượt khách nội địa và 16.000 lượt khách quốc tế, tổng giá trị GDP du lịch đạt 126 tỷ đồng, chiếm 1,46% tổng GDP toàn tỉnh. Năm 2020 đón 530.000 lượt khách, trong đó có 485.300 lượt khách nội địa và 44.700 lượt khách quốc tế, tổng giá trị GDP du lịch đạt 528 tỷ đồng, chiếm 3,5% tổng GDP toàn tỉnh. Giai đoạn 2015 – 2020, tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt 18,8%  (khách nội địa 18,4%, khách quốc tế 22,8%).

 

Về cơ sở vật chất du lịch, đến năm 2015 toàn tỉnh sẽ có khoảng 1.180 phòng khách sạn, trong đó có trên 700 phòng đạt tiêu chuẩn xếp hạng sao, loại phòng cao cấp (3 - 5 sao) đạt 100 - 150 phòng; năm 2020 là 2.747 phòng, trong đó có trên 1.648 phòng đạt tiêu chuẩn xếp hạng sao, nâng tỷ lệ phòng cao cấp (3 - 5 sao) lên 20 - 22%.

 

Ngành du lịch Đắk Nông phấn đấu đến năm 2015 có từ 4.300 - 4.800 lao động (trong đó có 2.000 - 2.300 lao động trực tiếp), năm 2020 có từ 10.400 - 11.500 lao động  (lao động trực tiếp từ 5.500 - 6.000).


Giải pháp đặt ra

 

Để phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tỉnh cần tập trung khai thác tối đa nét đặc trưng của các tài nguyên du lịch nhằm tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang tính hấp dẫn cao; xây dựng các chương trình tìm hiểu không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, tìm hiểu các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa bản địa, các làng nghề truyền thống; phát triển các mặt hàng lưu niệm, văn hoá ẩm thực... đáp ứng nhu cầu của du khách.

 

Đắk Nông còn đưa ra giải pháp khảo sát, xây dựng các tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại và trở về chiến trường xưa” nhằm đẩy mạnh liên kết vùng với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và các tỉnh miền Đông Nam Bộ; thúc đẩy hợp tác với các trung tâm du lịch trong vùng và nước bạn Campuchia để thu hút khách quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ.

 

Ngoài ra, tỉnh đã quy hoạch 4 cụm du lịch trọng điểm là: Gia Nghĩa và vùng phụ cận, cụm du lịch sinh thái Nâm Nung, cụm du lịch Ea T’Ling - Cư Jút, cụm du lịch Tuy Đức và vùng phụ cận với các mũi đột phá chính là khu du lịch sinh thái văn hoá cụm thác Đray Sáp - Gia Long - Trinh Nữ, khu du lịch sinh thái - văn hoá - lịch sử Nâm Nung, công viên vui chơi giải trí văn hóa Liêng Nung; khu công viên vui chơi giải trí Hồ Thiên Nga, khu du lịch sinh thái Đắk G’Lun, di tích lịch sử N’Trang Lơng kết hợp với du lịch cửa khẩu quốc tế Bu Prâng.

 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch…

 

Hy vọng rằng, với những định hướng đúng đắn, Đắk Nông sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh – một điểm đến du lịch hấp dẫn ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

 

Thu Giang