Trung tâm Nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link (một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam) vừa có cuộc khảo sát ban đầu tại 5 cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ (TCMN) tại Quảng Nam, bao gồm:
Làng gốm Thanh Hà (TP. Hội An); làng mộc Kim Bồng (TP. Hội An); làng làm đèn lồng Hội An; cơ sở sản xuất gốm Đức Hạ (huyện Điện Bàn) và xưởng gốm Duy Quá (huyện Duy Xuyên). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ sản phẩm thủ công dấu ấn di sản” của Quỹ Tín thác Hàn Quốc tài trợ thông qua Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhằm khôi phục và phát triển nghề sản xuất hàng TCMN và tăng thêm thu nhập cho cộng đồng dân cư địa phương.
Tại hội thảo giới thiệu dự án “Hỗ trợ sản phẩm thủ công dấu ấn di sản” thế giới tại Hội An vào cuối tháng 6/2012, Craft Link đã đưa ra những đề xuất như sau:
- Hỗ trợ các nghệ nhân, các nhà sản xuất gốm Thanh Hà từng bước phát triển bộ sản phẩm giữ nguyên những đặc điểm nổi bật nhất của gốm Thanh Hà: chất liệu đất nung có màu đỏ rất đặc trưng; sử dụng kỹ thuật sản xuất gốm truyền thống cùng với một số kỹ thuật thủ công mới trong tạo hình; khai thác các kiểu dáng sản phẩm cổ truyền như nồi đất, bình vôi, lọ hoa, bùng binh, con thổi…; nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách cải tiến khâu xử lý nguồn nguyên liệu đất đến kỹ thuật sản xuất, chất lượng lò nung, chất đốt. Riêng về mẫu mã sản phẩm, cần chọn lọc một số sản phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống địa phương, cải tiến các chi tiết trang trí, quy chuẩn màu sắc, kích cỡ. Trên cơ sở đó, phát triển thêm một số sản phẩm nhỏ phù hợp với thị hiếu của khách du lịch như chân nến, chậu hoa nhỏ, hình con giống nhỏ…; đồng thời, thiết kế các bao bì đóng gói, ghép bộ sản phẩm, chụp đặc tả những chi tiết sản phẩm với các thông tin giới thiệu kèm theo… để nâng cao giá trị của sản phẩm.
- Chọn các sản phẩm lấy cảm hứng từ văn hóa Chăm tại xưởng gốm Đức Hạ như phù điêu, vũ nữ, các linh vật..., đưa vào sản phẩm những hoa văn, đường nét, sự tích đặc trưng để tăng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, yếu tố phụ trợ như khung, giá đỡ, bao bì đóng gói, nhãn mác cũng cần được nghiên cứu cải tiến vừa đạt tính thẩm mỹ vừa mang dấu ấn đặc trưng.
- Giúp xưởng gốm Duy Quá trong việc tiếp thị và mở rộng thị trường xuất khẩu; xây dựng bộ catalog/CD các sản phẩm trang trí vườn để giới thiệu với các khách hàng tiềm năng của Craft Link; phối hợp với nghệ nhân Nguyễn Quá trong quá trình sáng tạo thêm những sản phẩm mới vừa có giá trị sử dụng (để tiêu thụ tốt), vừa phải có các yếu tố trang trí mang đậm nét văn hóa Chăm.
|
Thiết kế viên của Craft Link đang hướng dẫn mẫu mã đèn lồng mới
|
- Đối với sản phẩm mộc Kim Bồng, Craft Link sẽ thiết kế để phát triển một số sản phẩm mới tận dụng những phần nguyên liệu dôi dư (gỗ thừa vụn), với những chi tiết trang trí hoa văn trong kiến trúc đặc trưng của đô thị cổ Hội An. Các sản phẩm này phải đảm bảo tính ứng dụng cao, kích cỡ nhỏ gọn phù hợp với thị trường du lịch, độ tinh xảo phải đạt mức độ cao như hộp trang sức, khung treo vải trang trí, chặn sách, giá nến…; nghiên cứu khôi phục một số mẫu trang trí cổ, các trích đoạn từ các công trình kiến trúc để sử dụng như những sản phẩm trang trí “giả cổ” - phục vụ các khách hàng thích sưu tầm như: hình con lăn gỗ, chạm trổ trên cửa ra vào, các mẫu mắt cửa Hội An…; đồng thời thử nghiệm các mẫu thuyền thu nhỏ, phát triển thành những món đồ trang trí mang đậm dấu ấn cuộc sống của cư dân vùng sông nước để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
- Các sản phẩm đèn lồng sẽ giữ nguyên đặc điểm dùng nguyên liệu tự nhiên như tre, vải lụa và khả năng xếp gọn, tuy nhiên sẽ phải nâng cao chất lượng toàn bộ các chi tiết sản phẩm. Nghiên cứu sử dụng các loại nguyên liệu vải khác phủ ngoài đèn, khả năng chồng nhiều lớp vải để tạo hiệu ứng ánh sáng, màu sắc. Cần nghiên cứu tận dụng vải vụn, vải thừa chất liệu phù hợp từ các hiệu may để tái chế thành vải phủ ngoài đèn. Có thể đưa thêm các chất liệu khác như sơn màu, sơn mài với các họa tiết hoa văn đặc trưng của địa phương để trang trí phần chuôi đèn, bổ sung các tua lụa trang trí…
Bày tỏ tại hội thảo, các nhà sản xuất TCMN ở Quảng Nam có rất nhiều mong muốn. Theo như nghệ nhân Huỳnh Văn Ba trăn trở: “Với sự hỗ trợ của dự án và các nhà thiết kế Craft Link, chúng tôi thật sự vui mừng, mong sao thương hiệu đèn lồng Hội An sẽ có thêm nhiều mẫu mã, chất lượng ngày càng cao, thị trường tiêu thụ mở rộng. Nhưng điều chúng tôi lo lắng đó là nguồn nguyên liệu tại Quảng Nam thiếu ổn định và chưa đáp ứng kịp nhu cầu sản xuất”. Nghệ nhân Huỳnh Sướng - làng mộc Kim Bồng lại mong đợi chính quyền Quảng Nam nghiên cứu thành lập Trung tâm thiết kế chuyên nghiệp của Quảng Nam để duy trì sự bền vững của ngành nghề thủ công.
Mạng lưới đầu ra của các sản phẩm cũng là những trăn trở của họ và các nhà quản lý chuyên ngành địa phương. Sự liên kết giữa ba nhà: Nhà nước (cơ chế, chính sách về vốn khuyến công, về mặt bằng sản xuất, về chỉ đạo đồng bộ...) – nhà sản xuất (tâm huyết, kỹ năng, con người sáng tạo, lòng yêu nghề…) – nhà doanh nghiệp (quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến, các events, tour...) trên cơ sở hài hòa lợi ích cũng là những trăn trở chung trong quá trình triển khai dự án này.
Với sự điều phối hiệu quả của văn phòng UNESCO tại Hà Nội, với những hỗ trợ đầy tâm huyết và trách nhiệm của Craft Link, sự chia sẻ kinh nghiệm thiết kế của Trường Đại học Mỹ thuật quốc gia Hàn Quốc, sự “vào cuộc” của các cấp chính quyền, dự án “Hỗ trợ sản phẩm thủ công dấu ấn di sản thế giới” tại Quảng Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành thủ công mỹ nghệ hội nhập và phát triển.
Ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Dự án do UNESCO hỗ trợ là rất cần thiết và phù hợp với các mục tiêu phát triển của Quảng Nam giai đoạn 2012-2015. Mục tiêu dự án rõ ràng nhằm nâng cao thu nhập cộng đồng, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị di sản thế giới thông qua giá trị các sản phẩm thủ công dấu ấn di sản trên cơ sở gắn kết với sản phẩm du lịch của địa phương”.