Dự án Nghiên cứu khả thi đối với việc thành lập Ban thư ký khu vực về nghề du lịch ASEAN
Cập nhật: 06/08/2012
(TITC) - Trong lộ trình chuẩn bị để ASEAN hợp tác triển khai đầy đủ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) về nghề du lịch vào năm 2015, tại phiên họp lần thứ 13 vào năm 2009, các Bộ trưởng du lịch ASEAN đã thông qua một chương trình hành động nhằm thúc đẩy triển khai nội dung này. Một trong các hoạt động đó là thành lập một Ban thư ký khu vực nhằm quản lý, giám sát và hỗ trợ triển khai MRA về nghề du lịch.

Trước khi thành lập Ban thư ký khu vực, cần tiến hành nghiên cứu tính khả thi, trong đó xác định sự cần thiết phải thành lập và xác định liệu đây có phải là phương án tốt nhất để thực hiện các yêu cầu của MRA hay không; xác định quy trình và cơ chế hoạt động của Ban thư ký nhằm hỗ trợ hiệu quả Ủy ban Giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC) và các tổ chức có liên quan. Trong nghiên cứu cần đưa ra nội dung cụ thể về cam kết và các nguồn lực cần thiết từ các bên liên quan nhằm duy trì hoạt động của Ban thư ký một cách hiệu quả. Những cam kết này cần phải được đặt ra trước khi thành lập Ban Thư ký để bảo đảm tính hiệu quả và bền vững của Ban Thư ký.

Dự án nghiên cứu khả thi đã được triển khai trong khuôn khổ Chương trình hợp tác phát triển ASEAN – Australia (AADCP) giai đoạn 2. Vừa qua, ngày 02/8/2012, tại Hà Nội, hội thảo về nghiên cứu khả thi đối với việc thành lập Ban thư ký khu vực về nghề du lịch ASEAN đã diễn ra tại khách sạn Bảo Sơn. Sự kiện do Tổng cục Du lịch và Ban thư ký ASEAN tổ chức đã thu hút sự tham gia của đại diện các vụ, đơn vị chuyên môn thuộc TCDL, dự án JICA, ESRT, các cơ sở đào tạo và dạy nghề du lịch, các khách sạn, doanh nghiệp lữ hành và nhóm chuyên gia Dự án.

Tai hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các thách thức mà Việt Nam gặp phải khi thực hiện MRA; những lợi ích mà Ban thư ký khu vực mang lại cho ngành du lịch trong quá trình thực hiện MRA, những lĩnh vực cần có sự hỗ trợ của Ban thư ký, địa điểm đặt văn phòng Ban thư ký, cách thức trao đổi hiệu quả giữa các bên, vấn đề nguồn tài chính, rào cản trong việc thành lập…

Hệ thống hỗ trợ thực thi MRA sẽ bao gồm một loạt các bên liên quan trong đó có các chuyên gia chuyên trách lĩnh vực này. Khi được thành lập, Ban thư ký sẽ chịu trách nhiệm giám sát một cách toàn diện hệ thống trên và các hoạt động trong khuôn khổ MRA ở cấp khu vực (trong đó có hệ thống chứng chỉ nghề du lịch ASEAN - ATPRS) và sẽ hỗ trợ Ủy ban Giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC).



                                                                                                                             Hồng Thanh