Phát hiện bộ rìu đá 5 chiếc độc đáo ở khu vực công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn
Cập nhật: 13/08/2012
Trong khi đào nền đất phía sau nhà, anh Nguyễn Văn Hội, Tổ trưởng tổ 6, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh đã cuốc vào một vật cứng. Khi mở rộng vùng cuốc, anh phát hiện ra 5 mảnh đá rất lạ, cái dài, cái ngắn.

Qua quan sát 5 chiếc rìu đá có hình dáng rất đẹp và đã phát hiện ra một số điều lạ. Theo mô tả của anh Hội, khi anh phát hiện ra những chiếc rìu đá, chúng dường như nằm ở một tư thế được bó lại với nhau. Nhát cuốc đầu tiên của anh va phải một chiếc rìu và chỉ làm sứt một chút. Xếp 5 chiếc dìu lại với nhau có thể phát hiện những chiếc rìu có thứ tự từ lớn đến bé. Chiếc rìu dài nhất đo được là 22cm, chiếc ngắn nhất là 13,5cm. Tiếp đó, có thể phân biệt được những chiếc càng to, dài thì đẹp hơn so với những chiếc ngắn và bé hơn. Về phần thân, những chiếc dìu rất dễ cầm, nắm, buộc để sử dụng và có phần lưỡi rất sắc và có thể khẳng định chúng được chế tác khá tinh tế.

Ông Âu Văn Hợp, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang cho biết, bảo tàng đã biết thông tin về việc người dân phát hiện ra bộ rìu đá ở thị trấn Yên Minh và vừa qua cũng đã có chuyên gia khảo cổ học ở Trung Ương tới Yên Minh xem xét bộ rìu đá này. Qua xem hình ảnh về những chiếc rìu đá được phát hiện ở thị trấn Yên Minh, chúng thuộc thời kỳ đá mới, cách ngày nay khoảng 4.000 năm và khu vực Yên Minh từng phát hiện rìu đá thuộc thời kỳ đá mới ở Bạch Đích. Còn ở trong tỉnh, cũng phát hiện một số điểm có rìu đá thuộc thời kỳ đá mới như di chỉ Lò Gạch, phường Trần Phú (TP. Hà Giang).  

Anh Nguyễn Văn Hội cho biết, chỗ phát hiện rìu đá ở độ sâu khoảng gần 2m, thuộc tầng đất nguyên thổ, không thấy vết đất đen... Phía trên chỗ phát hiện là đồi đất và phía bên cạnh nữa là ruộng lúa. Trên phía đồi, trước đây từng có một dặng đá vôi, trong đó có một vòm đá rộng, có thể chứa được 3 – 4 người, nhưng nay đã bị người dân phá lấy đá để xây dựng. Qua quan sát khu vực sinh sống của gia đình anh Hội, có thể thấy, phía trước mặt nơi phát hiện ra rìu đá là cánh đồng rộng của thị trấn Yên Minh và tiếp đến là dãy núi đá chạy dài từ thị trấn Yên Minh kéo ra hướng xã Mậu Duệ. Qua tìm hiểu với bà con trong khu vực thị trấn và xã Hữu Vinh, được biết, dãy núi đá vôi trên tiếp giáp với khu vực đồng ruộng và có rất nhiều hang đá, vách đá... Điều này cho thấy, ở điều kiện như vậy, rất có thể nơi đây đã từng là một nơi cư trú rất thuận lợi cho việc kiếm sống, ẩn nấp của con người xưa kia.  

Việc phát hiện bộ rìu đá 5 chiếc rất đặc biệt tại thị trấn Yên Minh và trước đây đã từng phát hiện ra những chiếc rìu đá ở khu vực Bạch Đích cũng là điều đáng được quan tâm bởi Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn từ trước đến nay vốn là một vùng khá đậm đặc về các di sản văn hóa, dân tộc học..., nhưng các phát hiện khảo cổ học ở đây chưa có nhiều. Đến nay, nổi bật nhất là việc nghiên cứu, phát hiện khảo cổ học về trống đồng cổ trong cộng đồng một số dân tộc khu vực Cao nguyên đá và đã được nhà nghiên cứu Lò Giàng Páo, một người con của đồng bào dân tộc Lô Lô viết thành sách. Qua đó, trong khi chúng ta đang đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các giá trị của Công viên địa chất phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch thì việc nghiên cứu, khảo sát, phát hiện thêm những di chỉ, những dấu ấn lịch sử nơi mảnh đất địa đầu sẽ góp phần làm phong phú thêm sự hấp dẫn cho công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Báo Hà Giang