Khám phá nét đẹp nguyên sơ bản Cỏi
Cập nhật: 07/09/2012
(TITC) - Nằm giữa vùng lõi của vườn quốc gia Xuân Sơn, bản Cỏi (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) mang trong mình hơi thở của núi rừng Đông Bắc Việt Nam cùng bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc của người Dao Tiền.

Từ trung tâm hành chính của vườn quốc gia Xuân Sơn, đi theo con đường hướng vào rừng sâu khoảng 10km, du khách sẽ đến bản Cỏi - một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc với lưng tựa núi Ten, trước mặt là những thửa ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp đổi màu theo mùa vụ. Sáng sớm, từng làn sương mỏng bồng bềnh, e ấp ôm lấy các đỉnh núi khiến nơi đây chẳng khác nào chốn bồng lai tiên cảnh. Vào tháng 12 âm lịch hàng năm, khung cảnh bản Cỏi càng trở nên lung linh, rực rỡ bởi hoa Trạng Nguyên nở đỏ thắm khắp rừng, đặc biệt ở hai bên đường lối vào bản.

Trước đây, đồng bào Dao Tiền sống ở lưng chừng ngọn núi Ten cao trên 1.000m so với mực nước biển. Trong tâm thức của họ, “khi sống nhờ rừng, khi thác cũng gửi rừng" nên rừng chính là cuộc sống. Sau khi Nhà nước tiến hành chủ trương hạ sơn, dân bản đã định cư ở ven bờ suối Cỏi nằm dưới chân núi Ten. Đến nay, cả bản đã có hơn 85 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Dao, số ít là dân tộc Mường.

Dân bản Cỏi sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp, canh tác lúa một vụ trên những thửa ruộng bậc thang và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo kiểu tự thả. Đặc biệt, người dân nơi đây vẫn còn bảo tồn được giống gà nhiều cựa mà chỉ vùng Xuân Sơn mới có.

Cùng với tập quán lao động sản xuất, bản Cỏi vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Dao như: kiến trúc nhà lợp cỏ gianh, vách đất; các nghi thức, nghi lễ (nghi thức mặc trang phục dân tộc trong các lễ hội, tục ngủ thăm tìm vợ, lễ cúng Bàn Vương, lễ cấp sắc…); các điệu múa (múa chiêng, múa rùa, múa Lập tĩnh)…; ẩm thực truyền thống; các nghề thủ công (nấu rượu, nhuộm vải)…

Trong chiến lược quy hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Phú Thọ đã xác định du lịch là một trong ba khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vùng đất Tổ, tỉnh Phú Thọ đã chọn một số bản dân tộc, trong đó có bản Cỏi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái. Từ khi tham gia hoạt động du lịch cộng đồng, diện mạo bản Cỏi đã thay đổi đáng kể. Cả bản đã có 85% nhà được xây dựng lại khang trang trên nền cũ và trang bị các phương tiện sinh hoạt thiết yếu nhằm đáp ứng cơ sở vật chất cho du lịch cộng đồng.

Đến bản Cỏi, du khách sẽ có dịp trải nghiệm nếp sống sinh hoạt hàng ngày cùng dân bản như: chế biến các món đặc sản địa phương (canh măng rêu đá, bánh bột khoai trộn vừng, canh rau sắng…); chăm sóc gia súc, gia cầm; lên đồi hái chè shan tuyết; xuống suối bắt cá; nấu rượu; nhuộm vải; tham gia văn nghệ; khám phá tục ngủ thăm tìm vợ - một tập tục đặc sắc của người Dao đã có từ lâu; tìm hiểu về hai cây chò chỉ ngàn năm tuổi gắn với truyền thuyết về tình yêu giữa chàng trai người Dao và cô gái người Mường.

Bản Cỏi với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ cùng truyền thuyết gà chín cựa trong câu chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh và tấm lòng hiền hòa, mến khách của dân bản là điểm dừng chân thú vị của du khách trong hành trình khám phá các bản dân tộc vùng núi phía Bắc.


                                                                                                                          Thanh Hải