Thôn Chì – Điểm đến hấp dẫn của du lịch cộng đồng ở Hà Giang
Cập nhật: 21/09/2012
(TITC) - Những năm gần đây, xu thế đi du lịch đến những nơi có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống đã trở nên khá phổ biến, nhất là với những đoàn khách du lịch nước ngoài và lớp trẻ, học sinh, sinh viên ở các vùng đồng bằng. Bởi ở đó, khách du lịch sẽ được khám phá những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, và được tìm hiểu nhiều nét văn hóa truyền thống dân tộc.

Nắm bắt được những nhu cầu đó, trong những năm qua, huyện Quang Bình đã tập trung xây dựng, khuyến khích nhân dân phát triển loại hình du lịch làng bản, với sự tham gia phục vụ du lịch của cộng đồng địa phương. Một trong số đó phải kể đến thôn Chì thuộc xã Xuân Giang cách trung tâm huyện lỵ Quang Bình 14 km. Với lợi thế về tiềm năng tự nhiên sẵn có, cùng với bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng của dân tộc tại địa phương, nơi đây đang từng bước đi lên nhờ phát triển du lịch cộng đồng.  

Thôn Chì có 4 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Tày chiếm 96%, ngoài ra còn có dân tộc Kinh, Nùng, Dao. Cuộc sống của dân tộc nơi đây vẫn giữ nguyên vẹn nét văn hóa đặc trưng riêng biệt của mình.  

Nét độc đáo đó được thể hiện trước nhất ở thiết kế nhà sàn, từ cách dựng nhà với thế lưng tựa vào núi mặt hướng ra cánh đồng đến cách bày trí bên trong ngôi nhà sàn từ buồng nghỉ, bàn thờ, gian bếp, gian tiếp khách và cách trưng bày các dụng cụ sinh hoạt truyền thống đều theo nếp nhà xưa.  

Nói đến người Tày không thể không nói đến nghề dệt thổ cẩm truyền thống với bàn tay tài hoa của các cô gái người Tày đã tạo ra những nét  hoa văn độc đáo, những đường kim mũi chỉ trên khung cửi đã thêu dệt nên những tấm vải, mặt chăn, mặt đệm và đó chính là những món quà lưu niệm mà du khách đến đây tha hồ lựa chọn.  

Một điều đặc biệt nữa tạo cảm giác thích thú cho khách du lịch là đến đây, họ sẽ được ngồi vào xa quay sợi tập dệt thổ cẩm cùng với các cô gái dân tộc Tày và tự lựa chọn những nét hoa văn mà mình yêu thích để thêu. Ngoài ra, khi đến với thôn Chì du khách có thể tham gia nhiều trò chơi dân gian vẫn lưu truyền và được tổ chức thường xuyên như: Tung còn, bắn nỏ, đi cà kheo, đánh yến, chơi cù, đẩy gậy và nhiều trò chơi khác.    

Ngoài những nếp nhà sàn xinh xắn, những điệu múa, lễ hội và cuộc sống mộc mạc, giản dị giàu lòng mến khách của người dân, nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như: Dốc ông bụt, hồ Lay Quáng…. Đến đây, du khách có thể ngắm mặt trời lặn lúc xế chiều hay chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh huyền ảo của nhũ thạch rủ xuống tạo thành những hình thù mà du khách tha hồ gắn ghép những sự tích, những câu chuyện truyền thuyết. Ngoài những phút tham quan lý thú du khách có thể lựa chọn cho mình thời gian thư giãn thích hợp, có thể đi câu cá ngoài bờ suối, đi tham quan vòng quanh hồ Lay Quáng hoặc tham gia làm những công việc thường ngày của người dân ở thôn Chì…

Loại hình du lịch cộng đồng ngoài việc đem lại lợi ích cho ngành du lịch còn đem lại lợi ích thiết thực đối với người dân. Trước hết người dân có được nguồn thu nhập trực tiếp từ các dịch vụ cung cấp cho khách lớn hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp. Tiếp đó là những lợi ích từ việc phát triển cơ sở hạ tầng. Bởi khi du lịch phát triển sẽ tạo được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, thu hút các nhà đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông, điện, nước, mạng lưới thông tin, y tế, giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường. Đây cũng là phương thức hữu hiệu phát triển KT – XH, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc… Đó chính là những lý do để đồng bào dân tộc thôn Chì có ý thức hơn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của làng để phát triển du lịch.    

Hương Lê