Là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát chầu văn, Nam Định đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là địa phương đại diện cho các tỉnh, thành phố trong cả nước lập hồ sơ khoa học “Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Nam Định” đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ra đời dưới thời Trần, trải qua bao thăng trầm, đến nay nghệ thuật hát chầu văn vẫn duy trì được những tinh hoa đặc sắc và ngày càng phát huy những giá trị vốn có.
Dựa trên căn cứ về lịch sử của tín ngưỡng Tứ Phủ, hát văn là thể loại hình thành sớm hơn so với các thể loại dân ca khác. Nam Định là vùng quê giàu truyền thống văn hiến, là cái nôi của nghệ thuật chầu văn. Trong sách “Kiến văn tiểu lục”, nhà bác học Lê Quý Đôn có ghi: “Thời Trần có lối hát trước mặt đế vương, gọi là hát Chầu”.
Nghệ thuật chầu văn, còn gọi là hát văn hay hát bóng được sáng tạo, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và phát triển trong môi trường tín ngưỡng dân gian, mang đậm phong cách âm nhạc vừa độc đáo, bản sắc lại vừa tích hợp được những giá trị của các hình thức âm nhạc dân gian khác.
Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, nghệ thuật chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức tụng ca công đức của Thánh Mẫu (Liễu Hạnh) và Đức Thánh Cha (Trần Hưng Đạo). Không gian của nghệ thuật chầu văn cổ truyền là ở các đền, phủ, miếu, thường có kết hợp với hầu bóng. Người xưa quan niệm, đó là phương thức hữu hiệu để mọi người có thể giao tiếp với Mẫu, với các chư vị linh thần nhằm bày tỏ lòng biết ơn và hướng thiện; đặc biệt, các Mẫu tứ phủ (Mẫu Thượng thiên, Mẫu Địa, Mẫu Nhạc, Mẫu Thoải) là biểu tượng của tín ngưỡng dân gian trong tâm thức cộng đồng dân tộc.
Theo kết quả kiểm kê của ngành văn hóa, đến tháng 8/2012, tỉnh Nam Định có 287 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, thờ Đức Thánh Trần và liên quan đến “nghi lễ chầu văn”; trong đó quần thể di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) vừa là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh đồng thời cũng là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động nghi lễ chầu văn tiêu biểu của Nam Định.
Tại huyện Ý Yên có 26 di tích liên quan đến Thánh Mẫu, nhưng tập trung nhiều nhất ở xã Yên Đồng. Đối với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, trung tâm của tín ngưỡng tập trung ở thành phố Nam Định (đền Cố Trạch nằm trong cụm di tích đền Trần, tại phường Lộc Vượng) và huyện Mỹ Lộc (đền Bảo Lộc, tại thôn Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc)… Trong không gian di tích, nhân dân thường phối thờ theo kiểu “Tiền Phật, hậu Thánh”, có ban thờ Đức Thánh Trần và Tam tòa Thánh Mẫu.
Về hình thức nghệ thuật, nét độc đáo của nghệ thuật chầu văn Nam Định rất đa dạng hình thức biểu hiện như hát thờ, hát cửa đền, hát hầu đồng và hát thi. Hát thờ thường diễn ra vào các ngày lễ tiết, những ngày tiệc thánh và hát trước khi vào các giá văn lên đồng (còn gọi là hát văn công đồng). Ngoài ra, tại một số di tích từ đường dòng họ cũng có hát thờ để ca ngợi công đức tổ tiên.... Hát cửa đền lại thường diễn ra tại các đền phủ trong những ngày đầu xuân, ngày lễ hội. Hát hầu được sử dụng trong nghi lễ chầu văn hầu bóng theo tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ.
Hiện tại Nam Định có 470 người trực tiếp tham ra thực hành “nghi lễ chầu văn”, trong đó, hầu đồng là 246 người, hát văn (cung văn) 245 người, sử dụng nhạc cụ 162 người. Đối với các cung văn phải có giọng hát trong trẻo, truyền cảm, trữ tình, mềm mại phù hợp với tính cách nữ tính của người Mẹ - thánh Mẫu trong hệ thống thần điện Tứ phủ. Người cung văn khi hát lời cổ phải thể hiện được nội tâm, tính cách của các vị Thánh.
Với vai trò là một phương tiện nghệ thuật phục vụ tín ngưỡng tâm linh từ trong các đền, phủ; nghệ thuật chầu văn đã “chuyển mình” vào sân khấu và có sức sống lan tỏa trong đời sống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân. Các bài hát văn được soạn lời mới có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, cổ vũ khối đoàn kết toàn dân chung sức, đồng lòng đứng lên đánh giặc, chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc.