Ðiểm nhấn trong dịp Festival Hoa Ðà Lạt 2007
Cập nhật: 02/12/2007
Tháng 12/2007, thành phố Ðà Lạt (Lâm Ðồng) rực rỡ trong sắc mầu của những vườn hoa đua nhau khoe sắc, chào đón sự kiện văn hóa, du lịch Festival Hoa Ðà Lạt 2007.
Ðây không chỉ là một cách giới thiệu và quảng bá về thương hiệu của "xứ sở ngàn hoa" trên cao nguyên mà còn góp phần khôi phục và phát huy những truyền thống văn hóa của Ðà Lạt.
Theo truyền thống, vào mỗi dịp thành phố có các sự kiện lớn, Công ty XQ Việt Nam đều có những chương trình lễ hội tham gia mang đậm bản sắc văn hóa và lần này là chương trình "Hội thiếu nữ rước phấn về cho hoa".
Chương trình là một trong những điểm nhấn đầy ấn tượng đối với du khách khi đến với Ðà Lạt trong Festival Hoa 2007 được tổ chức tại khuôn viên làng nghề thêu Ðà Lạt - XQ Sử Quán trong hai ngày 13 và 14-12.
Ông Võ Văn Quân, Giám đốc Công ty XQ Việt Nam, cho biết, bên cạnh các hoạt động chính, trong chương trình có sự kiện khai trương hội người chia sẻ "Vì trẻ em nghèo Ðà Lạt của nghệ sĩ, nghệ nhân XQ" bằng hành động "Mỗi người đóng góp một sợi chỉ cho tác phẩm tranh thêu 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội" và giới thiệu các tác phẩm tranh thêu, thơ, rượu, nhạc phẩm. Toàn bộ số tiền do các nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ sẽ được XQ dành tặng quỹ vì trẻ em nghèo.
Trong ngày 13-12, nhiều hoạt động nghệ thuật mang tính cộng đồng được khai mạc, tôn vinh nghề thêu, các nghệ nhân thêu tài năng và những sản phẩm tranh thêu độc đáo. Mở đầu là nghi thức khai trương khu vườn bảo tàng của Ðà Lạt - XQ Sử Quán có tên gọi "Bảo tàng Hoa tri kỷ hữu", trình diễn các nghi thức tuyển chọn, ký tên trên những loài hoa để đưa vào tranh thêu và trưng bày trong bảo tàng, giới thiệu ba mô hình bảo tàng tại nhà "Tri kỷ- tri âm". Khi ký tên trên các loài hoa, theo quan niệm nghệ nhân thêu XQ, du khách đã gắn tên mình với một loài hoa tương ứng và mỗi loài hoa đều có một kịch bản hoài niệm để nghệ nhân thêu thể hiện. Các nghi thức này góp phần giúp du khách về dự Festival Hoa Ðà Lạt có được sự cảm nhận thật sự về nghề thêu truyền thống của Việt Nam nói chung và Công ty XQ nói riêng.
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, đêm hội ẩm thực "Hoàng triều cương thổ" giàu bản sắc diễn ra với màn trình diễn nghệ thuật ẩm thực "Con đường gia vị Việt Nam" và "Ai gọi tên anh trên cánh đồng hoa". Sau phần nghi thức đổi trang phục, giới thiệu các bộ sưu tập thời trang của nghệ nhân thêu trong dịp lễ hội hoa Ðà Lạt như: "Hành trình chiếc lá rơi", "Nắng thủy tinh" của hơn 100 nghệ nhân thêu XQ, màn trình diễn nghệ thuật "Ðêm sương Giáng Hạ" sẽ đưa khách đến với thế giới của thi ca, có ngâm thơ, rao gánh thơ ca, chia sẻ đồng cảm giữa khách thơ và những nghệ nhân thêu.
Du khách được lắng mình trong những câu thơ da diết để từ đó bước vào lễ hội trà đạo "Vũ khúc dâng trà", xem nghệ thuật pha chế và tìm hiểu về các loại trà: Hành Thâm, Tâm Vọng, U Hương, v.v. Mỗi tên gọi trà chứa đựng ý nghĩa triết lý sâu sắc về tình tri âm, tri kỷ; về hành trình tìm kiếm quê hương trong hoài niệm và nghi thức thưởng thức bên bàn trà "Tri kỷ không về, ta với ta" đầy huyền ảo, hấp dẫn.
Ðặc biệt, đêm hội còn có "Hội chợ của thiếu nữ thêu tranh" và chương trình "Bạn của tôi" dành cho các du khách mong muốn tìm cảm hứng sáng tác thơ ca, nghệ thuật, trong đó có trình diễn các ca khúc trữ tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngày thứ hai của lễ hội là chương trình mở chào mừng Festival Hoa. Hàng trăm thiếu nữ trong trang phục thợ thêu XQ do nhà thiết kế Võ Hoàng Hạ Uyên (Singapore) thực hiện, sẽ diễu hành theo nghi thức truyền thống tiến về khuôn viên làng nghề thêu XQ Ðà Lạt Sử Quán. Tại đây XQ Việt Nam sẽ tổ chức lễ trao giải thưởng người bạn hàng trong trang phục đẹp nhất của "Hội thiếu nữ rước phấn về cho hoa".
Từ lâu nay, lễ hội XQ luôn luôn là một sự kiện văn hóa thu hút sự quan tâm của du khách mỗi khi đến Ðà Lạt. Các sự kiện này còn được tổ chức thường xuyên và là một trong những điểm nhấn của một số liên hoan du lịch miền trung như: Festival Biển Nha Trang, Festival Huế... Năm nay, Festival Hoa Ðà Lạt chắc chắn sẽ thêm phần hấp dẫn bởi hoạt động phong phú trong hai ngày hội của XQ Việt Nam.
Nhân Dân
|
|
|