Thêm cơ sở để ghi nhận giá trị đạo Mẫu ở Việt Nam
Cập nhật: 05/10/2012
Những đón nhận cởi mở hơn đối với đạo Mẫu Việt Nam và việc nghi lễ chầu văn sẽ được xây dựng hồ sơ đề cử di sản quốc gia, tiến tới đề nghị là di sản thế giới, là cơ sở để tổ chức hội thảo khoa học quốc tế mới đây mang chủ đề “Văn hóa thờ nữ thần (Mẫu) ở Việt Nam và châu Á - Bản sắc và giá trị”.

 

Ban thờ Mẫu Liễu Hạnh ở khu di tích Phủ Dày (Nam Định)

Tôn vinh bản sắc, giá trị

Khẳng định nền tảng văn hóa, tư tưởng, quá trình phát triển, tiếp biến cùng các giá trị phong phú của văn hóa thờ nữ thần khu vực châu Á, hội thảo diễn ra ngày 29/9 tại Nam Định đã thu hút gần 300 đại biểu Việt Nam và các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Lào, Anh. Trong đó, ngoài các học giả uy tín, đáng chú ý còn có hơn 100 thanh đồng đạo quan của đạo Mẫu Việt Nam.

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh - Chủ tịch Chi hội Folklore châu Á tại Việt Nam, hội thảo đã thực hiện cách làm mới, đó là trao đổi, bàn luận giữa các nhà khoa học và cộng đồng các thanh đồng đạo quan, đặt câu hỏi và trả lời chứ không nặng về trình bày tham luận. Do vậy, hội thảo có không khí cởi mở và đạt hiệu quả.

Hội thảo được chia làm 2 tiểu ban về bản sắc và giá trị tục thờ nữ thần (Mẫu). Nhiều thông tin, tư liệu đã được cung cấp cùng những đánh giá xung quanh sức lan toả sâu rộng của tục thờ nữ thần, sức ảnh hưởng của hình tượng các nữ thần đến nhiều mặt trong đời sống, trong đó có sự thể hiện quan niệm về bình đẳng giới và tôn trọng người phụ nữ. Bên cạnh việc giới thiệu về một số nữ thần tiêu biểu ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Ấn Độ…, các đại biểu cũng quan tâm chủ yếu đến nghi lễ thờ Mẫu ở Việt Nam trong lịch sử và hiện tại.

Các nhà nghiên cứu tập trung vào vấn đề lịch sử, truyền thuyết ra đời đạo Mẫu, tính minh triết trong đạo Mẫu, những liên hệ giữa đạo Phật và đạo Mẫu, sự thể hiện bản sắc dân tộc của đạo Mẫu, đồ mã trong đạo Mẫu, bảo tồn, phát huy giá trị đạo Mẫu… Cùng với đó là việc giới thiệu giá trị, vẻ đẹp trong tục thờ nữ thần, thờ Mẫu ở nhiều địa phương, di tích cụ thể thuộc các vùng miền.

Còn các thanh đồng đạo quan tham dự hội thảo lại hướng trọng tâm vào những đề xuất, kiến nghị thông qua các nhà khoa học, nhà nước có những cách thức tuyên truyền, quản lý phù hợp nhằm ghi nhận các giá trị của đạo Mẫu. GS.TSKH Trần Ngọc Thêm tham gia chủ trì tiểu ban 1 - “Tục thờ nữ thần (Mẫu): Bản sắc văn hóa”, ông đánh giá: Nhà khoa học đã trao đổi cởi mở. Các thanh đồng được cung cấp thêm thông tin. Tỉnh Nam Định có cơ hội giới thiệu về truyền thống văn hóa thờ Mẫu.

Vẫn còn nhiều vấn đề gợi mở khiến cho những bàn thảo vừa qua cần tiếp tục được phát triển. Song song với đó, cần có ngay sự phổ biến những thông tin, đánh giá khoa học đó đến với xã hội, nhất là với những thanh đồng, đạo quan, những người trực tiếp thực hành việc thờ Mẫu.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam: “Chính sự dung hợp của đạo Mẫu đã góp phần vào việc không xảy ra tại Việt Nam thảm trạng ở nhiều nơi trên thế giới. Đó là cảnh “nồi da xáo thịt” do mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo. Bảo vệ di sản đạo Mẫu không chỉ là trách nhiệm của nhà nước và cộng đồng mà còn là của cả giới thanh đồng, đạo quan”.

Đạo diễn NSND Lê Huệ - Nam Định: “Nam Định là nơi đầu tiên đưa hát chầu văn lên sân khấu và các phương tiện thông tin đại chúng… Hát chầu văn là một loại hình nghệ thuật đặc biệt hấp dẫn không chỉ để phục vụ cho việc hầu đồng ở trong đền phủ mà còn được sáng tạo phổ biến rộng rãi”.

GS Trần Ích Nguyên - ĐH Thành Công - Đài Loan: “8 năm trước, nhiều học giả từ Đài Loan, Mỹ, Hồng Kông, Singapore… đã có một chuyến khảo sát tại Lạng Sơn, được tận mắt chứng kiến lễ hầu đồng tại đây. Nhưng do việc chuẩn bị “chu đáo” quá nên buổi lễ đó bị đình chỉ. Hôm nay, chúng ta tổ chức một hội thảo, lại được ủng hộ và có nhiều thanh đồng tham dự. Đó là sự tiến triển lớn! Có hội thảo, chứng tỏ chính quyền có niềm tin vào dân gian, và dân gian có niềm tin vào học giới”.

Petrotimes