Thừa Thiên Huế ngoài vốn quý các di sản văn hóa được UNESCO công nhận, còn sở hữu tài sản vô giá là hệ thống bờ biển trải dài đẹp như tranh vẽ.
Khẳng định thế mạnh
Dựa vào lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, Thừa Thiên Huế đang nỗ lực đưa du lịch, trong đó có du lịch biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong hệ thống bờ biển trải dài từ huyện Phong Điền đến Phú Lộc, từ lâu Lăng Cô đã được xem là thiên đường du lịch với thế tựa núi, nhìn sông, biển xanh, cát trắng, nắng vàng… được nhiều du khách biết đến. Do sở hữu vẻ đẹp này nên Lăng Cô đã được công nhận là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới vào năm 2009.
Trước đây, đến Lăng Cô, du khách chỉ có thể nghỉ tại các khách sạn bình dân như Thanh Tâm, Làng Xanh, Lăng Cô... nhưng bây giờ khách sạn đã được nâng cấp trở thành những địa chỉ đón khách sang trọng, điển hình như khách sạn Lăng Cô Huế trước đây. Khách sạn này hiện đã trở thành một địa điểm du lịch lý tưởng ở Lăng Cô với tên gọi Làng Cò Resort. Chủ đầu tư khách sạn này là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Biển Ngọc (gọi tắt công ty Biển Ngọc), đã đầu tư 100 tỷ đồng trên diện tích 5,7 ha, hoàn thiện hệ thống phòng nghỉ, nhà hàng, các khu vui chơi giải trí, như bể bơi, sân tenis, sân golf, siêu thị mua bán ngọc trai Thương hiệu Biển Ngọc và hàng hóa lưu niệm thủ công mỹ nghệ... thực sự đạt tiêu chuẩn quốc tế. Anh Phạm Đình Toại - Giám đốc Làng Cò Resort cho rằng, hiện nay, bình quân mỗi ngày Làng Cò Resort đón khoảng 1 nghìn lượt khách. Dù giá mỗi phòng từ 0,5 - 1 triệu đồng/ngày đêm, nhưng từ thời điểm này đến tháng 9, hệ thống phòng lưu trú của Làng Cò Resort đều đã được đặt kín chỗ...
Khách đến Lăng Cô, ngoài việc tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển, du khách còn có thể tham gia các dịch vụ du lịch như bơi thuyền, lướt sóng, câu mực... đặc biệt du thuyền trên đầm Lập An khám phá thác Mơ, thôn Hói Mít, làng chài bình yên nằm dưới chân Hải Vân...
Một điểm đến được đánh giá là đứng sau vịnh đẹp thế giới Lăng Cô là biển Thuận An. Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15km, vào mỗi dịp hè, biển Thuận An nườm nượp đón khách từ mọi nơi về tắm biển, nghỉ dưỡng. Khác với trước, đường sá về biển Thuận An bây giờ rất thuận tiện. Khách về biển Thuận An nếu có nhu cầu lưu trú cũng được đáp ứng, bởi gần đây nhiều người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng các dịch vụ lưu trú từ bình dân đến cao cấp, như Tam Giang Resort (4 sao). Mới đây, khách sạn biển 5 sao Ana Mandara vừa đi vào hoạt động với qui mô 78 phòng, gồm các biệt thự biển, câu lạc bộ đêm, bể bơi ngoài trời, câu lạc bộ trẻ em, cửa hàng, phòng tập thể dục… đáp ứng nhu cầu nhiều đối tượng khách du lịch. Riêng UBND thị trấn Thuận An vừa đầu tư 800 triệu đồng nâng cấp hạ tầng ở các bãi tắm, đường giao thông, hệ thống đèn chiếu sáng, các quán ăn ven biển với những tên gọi ấn tượng… Đến Thuận An hôm nay, ngoài nghỉ dưỡng, tắm biển, thưởng thức đặc sản biển tươi ngon, du khách có thể cùng ngắm bình minh buổi sớm, cưỡi ngựa, câu cá và tham quan một số địa chỉ văn hóa - tâm linh tại địa phương như miếu Thái Dương với sự tích nữ thần Thái Dương; miếu Âm Linh thờ thần cá voi, vốn là con vật linh thiêng đối với người dân miền biển hay các di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn huyện Phú Vang như Trấn Hải thành, tháp Chăm Phú Diên…
Định hướng khai thác tiềm năng du lịch
Dù đã tạo được những nét duyên ấn tượng trong lòng du khách nhưng một nhận xét chung là, du lịch biển ở Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều điểm yếu, bất cập. Thời gian qua dù chính quyền sở tại đã nỗ lực như kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ; tổ chức hàng loạt các hoạt động như “Thuận An biển gọi”, “Lăng Cô - Vịnh đẹp thế giới” với mục đích không ngừng tuyên truyền, quảng bá tiềm năng về du lịch biển của tỉnh, song lượng khách thu hút hàng năm vẫn tăng chưa cao, nhất là lượng khách du lịch nước ngoài. Điều này đã lý giải phần nào cho công tác quảng bá, tuyên truyền về du lịch biển của tỉnh vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, dịch vụ đáp ứng cho du lịch biển còn nghèo nàn. Đến nay, ở Lăng Cô cơ bản hoàn chỉnh được một số dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống tương đối, nhưng các dịch vụ vui chơi giải trí vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Ngoài Lăng Cô, các địa điểm khác, như Cảnh Dương, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc); Vinh Thanh, Phú Thuận (huyện Phú Vang); Phong Hải, Điền Lộc (huyện Phong Điền)... chưa định hình được một dịch vụ nào thật sự hoàn chỉnh mà chủ yếu toàn là những dịch vụ mang tính tự phát và thiếu tính chuyên nghiệp để đón du khách, đặc biệt là du khách đi theo đoàn với số lượng lớn. Đây là rào cản cho sự phát triển du lịch biển theo hướng hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa. Nhiều du khách sau khi đến tắm các bãi biển kể trên trở về đều có chung một nhận xét, biển ở Thừa Thiên Huế rất đẹp, sạch sẽ và an toàn nhưng quá nghèo nàn về dịch vụ.
Đã đến lúc tỉnh Thừa Thiên – Huế phải tích cực đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch biển, chú trọng đến công tác quy hoạch và liên kết du lịch với khu vực miền Trung- Tây Nguyên, đặc biệt là Quảng Trị, TP Đà Nẵng, Quảng Nam; đồng thời, kêu gọi đầu tư, mở rộng dịch vụ để khai thác hiệu quả về du lịch biển, từ đó tạo ra cú hích trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Đây là một cơ hội, một lợi thế bởi Thừa Thiên Huế đang sở hữu chiều dài bờ biển trên 120km mà không phải địa phương nào cũng có được và nhiều bãi biển đã được ghi tên vào bản đồ du lịch thế giới.