Cố đô Hoa Lư phản ánh sự tiếp nối và tiền đề cho văn hoá Việt Nam phát triển
Cập nhật: 24/10/2012
Sự phát triển của văn hoá Việt Nam thế kỷ X không phải do ngẫu nhiên mà có. Đó là kết quả của sự vận động tự thân, lâu dài và mạnh mẽ.

 

Giới thiệu với khách nước ngoài về truyền thống lịch sử Cố đô Hoa Lư

Kết quả đó bắt nguồn từ truyền thống văn hoá có từ trước đó rất lâu. Từ trước Công nguyên, người Việt cổ đã tạo ra nền văn hoá Đông Sơn nổi tiếng. Cuối thế kỷ I-II, trước áp lực của văn hoá Hán, văn hoá Đông Sơn dần dần bị lấn át, tuy nhiên nó vẫn len lỏi tồn tại trong các làng xóm Việt, vẫn đan xen tồn tại cùng văn hoá Hán mà biểu hiện rõ nhất là mộ thuyền, truyền thống gốm thô, trống chậu, hoa văn Đông Sơn trên các viên gạch xây mộ Hán…

Truyền thống đó tồn tại lâu dài, biểu hiện sức sống mạnh mẽ của văn hoá Việt Nam, để rồi đến thế kỷ thứ X có điều kiện bùng lên và phát triển. Rất nhiều mảnh gốm thô được tìm thấy ở Cố đô Hoa Lư; các nồi gốm thời Đinh-Lê có hình dáng gần gũi với nồi gốm Đông Sơn, nồi gốm trong các mộ thuyền sau Công nguyên và ở di chỉ Luy Lâu (Bắc Ninh). Các vò sành Hoa Lư được trang trí rất nhiều kiểu sóng nước phong phú, tựa như sự hồi sinh trở lại của truyền thống hoa văn này từ thời Phùng Nguyên-Đông Sơn vốn có từ thiên niên kỷ II trước Công nguyên… Những điều đó cho thấy văn hoá Việt Nam thế kỷ X rõ ràng đã phát triển với sự trở lại mạnh mẽ của văn hóa truyền thống Phùng Nguyên-Đông Sơn.

Văn hoá thế kỷ X lại tạo tiền đề cho các thời kỳ tiếp sau tiếp thu và phát triển. Chúng ta đều biết rằng, văn hoá Việt Nam phát triển phồn thịnh dưới thời Lý-Trần từ năm 1010 đến năm 1400. Có được sự phồn thịnh đó chính là nhờ có thế kỷ X, đặc biệt với thời Đinh-Lê, đã chuẩn bị những bước đi đầu tiên, vững chắc, để đến thời Lý-Trần, những đặc điểm lớn của văn hoá Việt Nam tỏ rõ là sự phát triển và nâng cao các đặc điểm văn hoá Việt Nam thế kỷ X.

Qua tư liệu khảo cổ học, ta thấy thời Đinh-Lê đã tạo ra hàng loạt hình mẫu nghệ thuật cho thời Lý-Trần. Vào thời Lý-Trần, hình ảnh chim phượng được tạo tác mang một phong cách riêng rất Việt Nam, đẹp và hoàn chỉnh. Sự hoàn hảo của hình tượng chim phượng thời Lý khiến có người băn khoăn về sự xuất hiện đột ngột của nó. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề đã rõ ràng. Trước chim phượng thời Lý đã có chim phượng thời Đinh-Lê. So với chim phượng thời Lý, chim phượng thời Đinh-Lê đơn giản hơn nhiều. Tuy nhiên, có thể thấy rõ các chi tiết cấu trúc của chim phượng thời Đinh-Lê đã được nghệ nhân thời Lý tỉa tót và biến thành những đường cong cầu kỳ, duyên dáng…, tạo nên hình ảnh chim phượng đẹp nhất trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam.

Ngoài hình chim phượng, còn có nhiều hình tượng trang trí khác. Hình rồng thời Lý cũng cực kỳ hoàn hảo và đẹp nhất trong lịch sử con rồng Việt Nam. Nhưng qua dấu tích hình rồng trên đầu xà gỗ ở Ngòi Chẹm và tượng đầu rồng nhỏ ở khu vực Đền Đinh… có thể thấy nghệ nhân thời Đinh-Lê đã tạo ra phác thảo đầu tiên cho hình tượng con rồng thời Lý. Các tượng uyên ương thon lẳn, khoẻ khoắn, kích thước lớn thời Đinh-Lê, sang thời Lý-Trần thu nhỏ lại với chi tiết chạm trổ tinh vi hơn. Các hình hoa sen trên gạch lát thời Đinh-Lê được sao chép trên các chân tảng kiến trúc thời Lý-Trần. Còn hoa cúc dây hình sin thời Đinh-Lê, sang thời Lý-Trần thường dùng trang trí các diềm bia đá và bệ đá.

Ở Khu di tích Cố đô Hoa Lư, trong đợt nghiên cứu năm 1998, còn thấy một loại ngói nhỏ có đầu mũi hớt cong, thường gọi là ngói mũi sen. Loại ngói này phát triển trong thời Lý và đến thời Trần thì gần như thay thế loại ngói âm dương vốn có truyền thống lâu đời ở Trung Quốc; loại ngói mũi sen kể từ khi ra đời thế kỷ X, còn tồn tại cho đến tận thế kỷ XIX.

Như vậy, có thể khẳng định, qua hơn một nghìn năm chìm nổi, văn hoá Việt Nam thế kỷ X đã có dịp phục hưng và phát triển. Nguồn văn hoá ấy, qua nguồn tư liệu kiến trúc, điêu khắc, gốm men ở Cố đô Hoa Lư, hội đủ các yếu tố truyền thống nội sinh, ngoại sinh, hình thành bản sắc riêng để rồi ổn định và phát triển liên tục trong các thời kỳ lịch sử tiếp theo.

Báo Ninh Bình