(TITC) - Ngày 10/10/2012, tại Faridabad (Ấn Độ), Tổ chức Kỷ lục châu Á đã chính thức xác lập kỷ lục châu Á “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất” cho chùa Một Cột (quận Ba Đình, Hà Nội).
Chùa Một Cột có tên chữ là “Diên Hựu tự”, được xây dựng vào năm Kỷ Sửu (1049), thời Vua Lý Thái Tông (1028-1054). Tương truyền, Vua Lý Thái Tông thường đến các chùa cầu tự để mong có con trai nối dõi. Một đêm, nhà vua mơ thấy Phật Bà Quan Âm ngồi trên đài hoa sen, tay bế một bé trai trao cho nhà vua. Ít lâu sau, hoàng hậu sinh hoàng tử. Nhà vua liền cho dựng chùa Một Cột có hình dáng giống đóa hoa sen như đã thấy trong mơ ở phía tây thành Thăng Long để thờ Phật Bà Quan Âm và đặt tên là “Diên Hựu tự” (phúc lành dài lâu). Năm 1105, Vua Lý Nhân Tông (1066 – 1127) cho trùng tu chùa Một Cột và đào thêm hồ Linh Chiểu (Liên Hoa Đài) bao quanh chùa, tạo nên một cảnh quan đặc sắc mà chỉ Hà Nội mới có.
Kiến trúc chùa Một Cột gồm đài Liên Hoa (đài hoa sen) đặt trên một cột đá (đường kính 1,2m; cao 4m so với mặt hồ). Đài Liên Hoa hình vuông (các cạnh đều dài 3m) được kết cấu bằng gỗ, mái lợp ngói; bốn góc mái uốn cong, có điểm lưỡng long chầu nguyệt. Chùa nằm giữa một hồ nước có trồng sen, được bao quanh bởi hàng lan can bằng gạch tráng men xanh, gợi liên tưởng một bông hoa sen đang vươn thẳng giữa đầm sen thơm ngát. Không gian xung quanh hồ trồng điểm xuyết nhiều cây xanh, trong đó có cây bồ đề do tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad tặng nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thăm Ấn Độ vào năm 1958.
Chùa Một Cột đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào năm 1962.
Thanh Hải