Tổng kết Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm-Ninh Thuận năm 2012
Cập nhật: 26/10/2012
Với chủ đề “Văn hóa Chăm-bảo tồn, phát huy và hội nhập”, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm-Ninh Thuận năm 2012 đã diễn ra thành công từ 12-16/10/2012 tại Khu du lịch Tháp Pô Klông Garai, Sân vận động thôn Hữu Đức, Trung tâm Văn hóa-Thể thao, Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận, Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm, làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc và khách sạn Sơn Long Thuận. Ngày hội là một chuỗi các sự kiện văn hóa – thể thao có ý nghĩa chính trị đặc biệt đối với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm và đông đảo quần chúng quan tâm.

Ngay từ khi triển khai kế hoạch, Cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP.HCM và Sở VHTTDL Ninh Thuận đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Văn hóa Dân tộc, Tổng cục TDTT, Tổng cục Du lịch, Vụ thi đua khen thưởng, Vụ Kế hoạch-Tài chính tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTTDL, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận ban hành nhiều văn bản quản lý nhà nước, văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện tiến tới Ngày hội; phối hợp với Vụ thư viện, Thư viện quốc gia Việt Nam, Trung tâm triển lãm văn hóa-nghệ thuật Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng các dân tộc Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh tại TP.HCM, đoàn Văn hóa-Thể thao các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, An Giang và TP.HCM tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phong phú mang đậm sắc màu văn hoá dân tộc Chăm.  

Đến nay, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm-Ninh Thuận năm 2012 đã thành công tốt đẹp ở tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao... Ngày hội đã có sự góp mặt của hơn 1000 nghệ nhân, diễn viên và hơn 300 vận động viên của các đoàn văn hóa, thể thao Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, An Giang, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh và 02 đoàn tham gia trưng bày, giới thiệu di sản văn hoá Chăm là tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Quảng Nam. Trong đó đông đảo nhất là đoàn Ninh Thuận, Bình Thuận và đặc biệt đoàn Tây Ninh với số lượng hơn 200 người.    

Dấu ấn đặc sắc của Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận 2012 là chương trình nghệ thuật đặc sắc trong đêm khai mạc. Phần nghi lễ được tổ chức long trọng, ngắn gọn, đúng quy định của lễ hội tầm quốc gia. Các tiết mục văn nghệ hấp dẫn nhằm tái hiện và giúp khán giả hiểu hơn về Lễ hội Katê truyền thống và những làn điệu đặc sắc của dân tộc Chăm. Đêm khai mạc Ngày hội đã thu hút hơn 5 ngàn người tham dự, đông đảo nhất là đồng bào dân tộc Chăm tại Ninh Thuận. Sáng ngày 15/10, Lễ hội Katê theo nghi lễ truyền thống của đồng bào Chăm tại tỉnh Ninh Thuận đã diễn ra tại Tháp Pô Klông Garai. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn đã tới dự và tặng quà chúc mừng đồng bào. Sau đó, Thứ trưởng và đại diện lãnh đạo Cơ quan đại diện Bộ tại TP.HCM đã tới thăm các nghệ nhân tại làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và làng gốm Bàu Trúc. Đây là lễ hội quan trọng nhất trong năm của đồng bào Chăm tại tỉnh Ninh Thuận nên đã thu hút được hàng ngàn người dân tộc Chăm tham gia cùng đoàn rước xiêm y và hàng ngàn khách du lịch đổ về Tháp Pô Klông Garai.  

Các hoạt động triển lãm tại Ngày hội đã được Hội đồng thẩm định và dư luận, báo chí đánh giá rất cao vì đã mang đến cho người xem cái nhìn tổng quan về cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là văn hoá đồng bào dân tộc Chăm; về vẻ đẹp đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; góp phần tăng cường khối đại đoàn kết, tự hào của dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước bền vững hiện nay.  

Trưng bày giới thiệu sách với chủ đề “Đặc sắc văn hóa Chăm” tại Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm được khai mạc đầu tiên trong các hoạt động của Ngày hội. Với hơn 500 đầu sách, tư liệu cùng những thước phim quý hiếm, giới thiệu đến người dân và du khách những nét đặc sắc nhất về các làn điệu dân ca, nghệ thuật kiến trúc của dân tộc Chăm đã tồn tại hàng ngàn năm qua, triển lãm đã thu hút hơn 600 người đến dự và tham quan. Bên cạnh đó, Vụ Thư viện đã chỉ đạo 06 thư viện tỉnh, thành phố vùng đồng bào dân tộc Chăm tổ chức thành công Liên hoan tuyên truyền, giới thiệu sách. Đêm liên hoan đã thu hút hơn 600 người tới dự và động viên các đội thi.  

Triển lãm chuyên đề “Đặc trưng văn hóa các dân tộc Việt Nam” đã giới thiệu bộ sưu tập ảnh các nghi lễ của người Chăm ở Ninh Thuận và hơn 500 tài liệu, hiện vật phản ánh nét văn hóa đặc trưng truyền thống của các dân tộc và từng vùng, miền văn hóa.  

Triển lãm ảnh “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam” giới thiệu 130 bức ảnh về những nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng 54 dân tộc anh em nói chung và đồng bào Chăm nói riêng thông qua các trang phục, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, các nghi thức tín ngưỡng, phong tục tập quán, nghệ thuật truyền thống, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Đặc biệt, triển lãm trưng bày một số hình ảnh vô cùng quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam trong suốt quá trình cách mạng.  

Triển lãm của các tỉnh, thành phố đã phản ánh về những thành tựu đạt được trong sản xuất, đấu tranh xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đặc biệt là trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở của từng địa phương. Đặc biệt, hai đoàn Khánh Hòa, Quảng Nam cũng nhiệt tình tham gia trưng bày giới thiệu di sản văn hóa, về những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Chăm tại miền Trung để giới thiệu với quan khách.  

Trung tâm nghiên cứu nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh tại TP.HCM phối hợp với Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Ninh Thuận tổ chức chiếu phim tư liệu và tài liệu tại 06 điểm thôn ấp với 07 buổi chiếu phim, thu hút khoảng 2.750 lượt người xem, trong đó đông đảo nhất là đồng bào dân tộc Chăm sinh sống trên các địa bàn phục vụ.  

Hoạt động giới thiệu văn hóa ẩm thực tuy chỉ có 03 đơn vị tham gia là Ninh Thuận, An Giang và Phú Yên nhưng cũng đã giới thiệu được những nét cơ bản nhất về cách bảo quản, chế biến và thưởng thức trong văn hóa ẩm thực của người Chăm. Tại các gian trưng bày, khách tham quan đã được giới thiệu và thưởng thức những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Chăm như các món ngon Tung lomo của An Giang, bò một nắng của Phú Yên và bánh ít của Ninh Thuận.  

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật và trình diễn trang phục của 06 đoàn nghệ thuật diễn ra trong ngày 15/10 đã mang lại cho người xem hơn 35 tiết mục văn nghệ đặc sắc, ấn tượng về bản sắc văn hóa Chăm và 06 tiết mục trình diễn trang phục đồng bào dân tộc Chăm trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, gắn kết với cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Các chương trình được dàn dựng công phu, nội dung tốt, hình thức phản ánh đa dạng, sáng tạo đã mang lại cho người xem những cảm xúc thẩm mỹ tốt đẹp.    

Trong khuôn khổ Ngày hội, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm đã tổ chức thành công Hội thảo “Bảo tồn, phát triển văn hóa Chăm”. Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại biểu, các nhà nghiên cứu đến tham dự nhằm đưa ra những giải pháp thiết thực và hữu ích trong việc bảo tồn và phát triển văn hoá của đồng bào dân tộc Chăm.   Nhằm đẩy mạnh phong trào tập luyện và thi đấu thể dục, thể thao; nâng cao sức khoẻ, đời sống văn hoá tinh thần cho đồng bào dân tộc Chăm, bên cạnh các hoạt động văn hoá nghệ thuật, hoạt động thi đấu thể thao trong Ngày hội cũng diễn ra hết sức thành công. Với 8 môn thi đấu thu hút 214 vận động viên, huấn luyện viên của 5 tỉnh, thành: Ninh Thuận, Phú Yên, An Giang, Tây Ninh, Bình Thuận.  

Song hành cùng các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra trong Ngày hội, hoạt động tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc sắc cũng được tổ chức để thu hút khách du lịch đến với Ngày hội, đến với Ninh Thuận, vùng đất Nam Trung bộ của Tổ quốc, vùng đất giàu tiềm năng kinh tế và có truyền thống yêu nước. Đặc biệt, Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức đoàn tham quan các di sản văn hóa, các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, Lễ hội Ka tê của dân tộc Chăm và các danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa của Ninh Thuận. Vì thế, trong các ngày diễn ra Ngày hội, tỉnh Ninh Thuận đã thu hút được hàng vạn lượt người trong cả nước và quốc tế.  

Lễ bế mạc Ngày hội được diễn ra vào tối 16/10/2012. Đêm văn nghệ với các tiết mục được Ban Tổ chức chọn lọc, tham gia biểu diễn báo cáo một quá trình tập luyện nhiệt tình, tâm huyết. Đây là những thành quả mà các đoàn nghệ thuật, diễn viên đồng bào Chăm các tỉnh, thành phố đã tập luyện trong suốt thời gian qua. Tại lễ bế mạc, Ban Tổ chức đã công bố các giải thưởng về văn hóa – nghệ thuật, triển lãm, lễ hội và ẩm thực, thể dục thể thao…  

Trong suốt quá trình triển khai, thực hiện, các cơ quan thông tấn báo chí TW và địa phương đã đưa nhiều tin, bài, phóng sự ảnh về Ngày hội. Theo đánh giá chung của dư luận và báo chí, “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm – Ninh Thuận năm 2012” đã đáp ứng tốt các mục đích ban đầu đề ra, là dịp khẳng định, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Chăm, là cơ hội để đồng bào Chăm ở các tỉnh, thành phố có cơ hội giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc tổ chức đời sống văn hóa cơ sở trong vùng có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, thúc đẩy sản xuất và ổn định an ninh chính trị khu vực; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Chăm; quảng bá đời sống văn hóa-kinh tế-xã hội và thu hút khách du lịch đến với tỉnh Ninh Thuận.

vhttdlkv3.gov.vn