Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet (Paris, Pháp) tổ chức triển lãm trưng bày những cổ vật đặc sắc có hình tượng rồng Việt Nam.
Thông qua triển lãm có chủ đề "Rồng Việt Nam", những người làm công tác bảo tàng, nghiên cứu lịch sử Việt Nam mong muốn nêu bật hình tượng đẹp con vật linh thiêng, giá trị này trên các cổ vật của bảo tàng bởi nó là biểu tượng của quyền lực và sức mạnh thậm chí hình tượng của nền quân chủ Việt Nam trong một thời gian dài, nó được gắn với những hiện vật giá trị của cung đình, của tầng lớp quý tộc và tư tưởng tư duy của người dân Việt Nam.
Triển lãm là một trong các nội dung của thỏa thuận mà hai bên đã đạt được trong cuộc làm việc giữa đoàn Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam do tiến sỹ Nguyễn Văn Cường dẫn đầu, với Chủ tịch Bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet Olivier de Bernon, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Pháp từ ngày 24-30/10.
Chuyến thăm của đoàn nhằm tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động bảo tồn và bảo tàng của Pháp, đồng thời tăng hợp tác trong ngành bảo tàng của Việt Nam và Pháp. Hai bên đã dành nhiều thời gian trao đổi những vấn đề cụ thể trong chương trình hợp tác về trưng bày triển lãm năm 2013 và 2014, năm giao lưu kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Pháp.
Đoàn cũng đã làm việc với Trung tướng Christian Baptiste, giám đốc Bảo tàng Quân đội. Hai bên thống nhất hợp tác tổ chức triển lãm khác mang tên "Đông Dương giai đoạn 1858-1956: Xứ sở và con người", với việc trưng bày trung thực, khách quan và khoa học các tư liệu, hình ảnh và hiện vật giúp công chúng và các nhà nghiên cứu lịch sử có được sự đánh giá và cái nhìn sâu sắc hơn trong giai đoạn lịch sử này. Thời gian trưng bày dự kiến kéo dài từ tháng 10/2013-1/2014.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam sẽ chuẩn bị những hình ảnh, tư liệu, hiện vật cho triển lãm. Phía Pháp giúp Việt Nam tập hợp tư liệu hình ảnh, hiện vật trưng bày, tổ chức trưng bày trong suốt quá trình triển lãm và chịu trách nhiệm về các chi phí tổ chức sự kiện này.
Đánh giá về sự hợp tác giữa hai ngành bảo tàng của Việt Nam và Pháp trong thời gian qua và triển vọng trong tương lai, ông Cường cho biết mối quan hệ hợp tác giữa bảo tàng của Pháp và Việt Nam đã có từ lâu đời. Ngay từ khi có sự hình thành ngành hoạt động văn hóa này, hai nước đã có các hoạt động tương hỗ nhau, nhưng đến nay những công trình hợp tác đầu tư mang tính chất quy mô chưa nhiều.
Thời gian gần đây, sự hợp tác hai bên đã được cải thiện, nhất là trong hoạt động tổ chức trưng bày các hình ảnh, hiện vật, nhưng chưa tương xứng với vị thế, vai trò, khả năng và tiềm lực của hai hệ thống bảo tàng cũng như sự hợp tác trong lĩnh vực văn hóa giữa hai nước. Theo ông Cường, sự hợp tác này còn ở mức quá khiêm tốn. Đây cũng là mục tiêu nghiên cứu mà Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác trong tương lai.
Một số môn nghệ thuật khác như dân tộc học, tâm linh, tín ngưỡng, đã được Pháp nghiên cứu, khảo sát đánh giá khá tốt tại Việt Nam. Phía Pháp có tiềm năng lớn về chuyển giao các kỹ thuật, khả năng chuyên môn nhằm thu hút và lựa chọn chuyên đề, các hiện vật và hình ảnh trưng bày và đã để lại dấu ấn riêng biệt.
Chính phủ Pháp đã giúp cho bảo tàng Chăm 2 triệu USD và dành sự giúp đỡ tích cực cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và tổ chức cuộc triểm lãm Champa tại bảo tàng Guimet.
Với sự giúp đỡ của phía Pháp, ông Cường cho rằng hai cuộc triển lãm tới đây sẽ tạo ấn tượng và đạt được hiệu quả tốt. Ông hy vọng hai nước sẽ ngày càng có cái nhìn và sự xích lại gần nhau nhiều hơn nữa trong lĩnh vực bảo tồn các di sản, hiện vật, cổ vật, tư liệu lịch sử quốc gia, nhằm góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Pháp.