(TITC) - Nằm ở ngã tư đường Trưng Nữ Vương và Bạch Ðằng (TP. Đà Nẵng), Bảo tàng Điêu khắc Chăm là nơi trưng bày khoảng 300 tác phẩm điêu khắc nguyên bản bằng chất liệu đá sa thạch, đất nung, đồng… sưu tập từ các đền, tháp Chăm nằm rải rác từ Quảng Bình đến Bình Thuận.
Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định công nhận 30 bảo vật quốc gia đợt 1, trong đó có 3 hiện vật của Bảo tàng Điêu khắc Chăm là đài thờ Mỹ Sơn E1, đài thờ Trà Kiệu và tượng Bồ tát Tara.
|
Đài thờ Mỹ Sơn E1 (Nguồn ảnh: Internet)
|
Được phát hiện tại tháp E1 thuộc khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), đài thờ Mỹ Sơn E1 có niên đại thế kỷ 7 – 8 với chất liệu được làm từ đá sa thạch vàng nhạt. Đây là công trình nghệ thuật được lắp ghép từ nhiều khuôn hình chạm nổi mô tả những sinh hoạt đời thường của các tu sĩ Bà-la-môn như: chơi nhạc, đàm đạo, làm thuốc… Đây là tác phẩm đại diện cho phong cách mở đầu của nghệ thuật điêu khắc Chăm.
Đài thờ Trà Kiệu được làm bằng đá sa thạch xanh xám, có niên đại trong khoảng từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 10. Đài thờ được tìm thấy vào năm 1918 tại tháp chính ở di tích kinh đô Trà Kiệu (làng Trà Kiệu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam ngày nay). Đây là một đài thờ còn nguyên vẹn 3 phần, gồm: đế thờ, thân thờ và vật thờ với 4 cạnh chạm nổi hoạt cảnh đám cưới của chàng Rama và nàng Sita trong tác phẩm văn học Ramayana – bộ sử thi vĩ đại của người Ấn Độ. Đây được coi là một trong những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Chăm.
Tượng Bồ tát Tara được dân làng Đồng Dương (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) phát hiện vào năm 1978. Đây là bức tượng bằng đồng nguyên chất lớn nhất mang phong cách nghệ thuật điêu khắc Chăm. Tượng cao 1,148m, thể hiện hoá thân của Bồ tát Tara với ngoại hình cân đối, nét mặt hiền hòa, hai tay đưa ra phía trước (tay trái cầm tù và ốc, tay phải cầm hoa sen nở, bên trong có gương sen).
Tượng khoác sarong hai lớp, dài từ thắt lưng đến mắt cá chân. Lớp trong của sarong bó sát thân tượng, được thiết kế đơn giản với các đường kẻ sọc. Lớp ngoài được quấn nhiều vòng từ sau ra trước và giắt trước bụng.
Ngoài hình thể, trang phục, kiểu tóc của tượng cũng góp phần khiến cho tác phẩm đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình. Tóc tượng được tết thành nhiều lọn nhỏ, búi cao hai tầng trên đỉnh đầu. Ở tầng tóc thứ 2 có gắn tượng Phật A Di Đà ngồi xếp bàn. Đây là chi tiết để nhận biết những tác phẩm thể hiện hóa thân Bồ tát.
Bức tượng không chỉ mang vẻ đẹp vô cùng thanh thoát, quyến rũ mà còn ẩn chứa sâu bên trong những bí mật của nền văn hóa Chăm.
Ba báu vật quốc gia đã tôn thêm bề dày giá trị của nền văn hóa Chăm, đặc biệt là những giá trị phi vật thể, góp phần quan trọng trong việc thu hút ngày càng nhiều khách đến bảo tàng.
Thanh Hải