Giới thiệu, biểu diễn chầu văn tại Hà Nội
Cập nhật: 05/11/2012
Để chuẩn bị cho quá trình lập hồ sơ di sản, thời gian gần đây, nghệ thuật chầu văn đặc biệt được quan tâm. Và để công chúng có cơ hội tìm hiểu loại hình này, trong 02 ngày 6 và 7/11/2012, tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội (24 Tràng Tiền) sẽ diễn ra chương trình biểu diễn chầu văn do Trung tâm Văn hoá Pháp và Câu lạc bộ bảo tồn chầu văn Việt Nam phối hợp tổ chức.

Trong hai đêm biểu diễn, khán giả sẽ được nghe các chuyên gia giới thiệu về các lối hát văn, được thưởng thức diễn xướng hầu đồng với các giá đồng như: Quan Tam phủ, Quan Tuần tranh, Chầu Đệ Nhất, Chầu Đệ Nhị, Chầu Bé Bắc Lệ, Ông Hoàng Bơ, Ông Hoàng Mười, Ông Hoàng Bảy, Cô Bơ, Cô Chín, Cô Bé… Các nghệ sỹ tham gia biểu diễn gồm: Văn Chung, Thanh Long, Khắc Tư, Trọng Quỳnh, Đức Hải, Văn Khải, Thanh Hà, Xuân Dũng, Thanh Ngoan...  

Hát văn, còn gọi là chầu văn là một loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Hát văn thông thường chỉ diễn ra trong các buổi hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu - tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Hát văn là phần hết sức quan trọng trong hầu đồng, phục vụ cho việc "hiển linh" của các vị thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Một thời gian dài, chầu văn mai một do bị đánh đồng với hoạt động mê tín, dị đoan. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những giá trị của hát văn được nhìn nhận lại. Hiện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đưa chầu văn vào danh mục Di sản để nghiên cứu, lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận "Nghi lễ chầu văn của người Việt" là Di sản văn hóa Thế giới.

CINET