Hội thảo khoa học
Cập nhật: 08/11/2012
Vừa qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Sưu tầm, nghiên cứu những giá trị đặc trưng văn hóa biển, đảo ở Khánh Hòa”.

Tham gia hội thảo có hơn 100 đại biểu là các nhà nghiên cứu, học giả và các nhà quản lý văn hóa.

Với hơn 20 tham luận, hội thảo đã giới thiệu, phân tích nhiều tư liệu sưu tầm về lịch sử, văn hóa, qua đó khẳng định Khánh Hòa đã và đang tồn tại nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể với nhiều giá trị đặc sắc, đặc trưng của nền văn hóa biển, đảo.

Khánh Hòa là tỉnh có bờ biển dài trên 380 km, cùng nhiều đầm, vịnh, hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ và quần đảo Trường Sa. Cư dân vùng biển ở Khánh Hòa có tập tục thờ Cá ông, thờ Thiên mẫu Y A Na, gắn liền với các lễ hội cầu ngư, hát cúng lăng, hò bá trạo... Bên cạnh đó địa phương còn có một nền văn hoá truyền khẩu với tục ngữ, ca dao, dân ca, sử thi phong phú. Đến nay, Khánh Hòa có 4 di tích, thắng cảnh cấp quốc gia gắn liền với biển, đảo.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn - Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đã trình bày hàng trăm tư liệu và bản đồ cổ của phương Tây liên quan đến vấn đề về khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, Tiến sĩ, đại tá Lê Huy Tân - Học viện Hải quân Nha Trang đã có bài tham luận về phát triển văn hóa ở huyện đảo Trường Sa, với nhận định: “Phát triển văn hóa ở Trường Sa có ý nghĩa đặc biệt to lớn là tạo dựng phương thức khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa bằng văn hóa, làm cho văn hóa Trường Sa thành mục tiêu, động lực của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền vùng trời, vùng biển, đảo”.

Các tham luận tại hội thảo cho rằng cần vận dụng những giá trị văn hóa đặc trưng về biển, đảo ở Khánh Hòa trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng cư dân vùng biển, đảo; làm cơ sở góp phần quy hoạch, xây dựng các thiết chế cơ sở hạ tầng kinh tế biển, đảo, đảm bảo tính khoa học và yêu cầu phát triển bền vững ở địa phương này.

ĐCSVN