Quy hoạch xây dựng Kon Plông (Kon Tum) thành đô thị du lịch sinh thái
Cập nhật: 08/11/2012
Quy hoạch xây dựng đô thị Kon Plông (Kon Tum) thành đô thị du lịch sinh thái là định hướng dành cho đô thị miền núi Tây Nguyên được Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn đề xuất.

8 vùng không gian kiến trúc cảnh quan

Theo Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn, đô thị Kon Plông được quy hoạch với 8 vùng không gian kiến trúc, cảnh quan chủ đạo, bao gồm: khu đô thị cũ (trung tâm hành chính huyện, khu dân cư cũ xung quanh trung tâm huyện đang được xây dựng với mật độ cao 60-80%); khu trung tâm đô thị nằm giữa đường quốc lộ 24 và đường tránh đô thị, phía nam hồ Toong zơry, là trung tâm nén của đô thị, được xây dựng mật độ cao, tạo sự sầm uất, có 1 trục đi bộ mua sắm và hoạt động thương mại cả ngày lẫn đêm; khu sân bay; khu hỗn hợp nằm ở phía nam của sân bay và xung quanh trung tâm mới của đô thị, mật độ xây dựng thấp vừa ở vừa kết hợp dịch vụ du lịch; khu trung tâm huấn luyện thể dục thể thao quốc gia; sân golf; khu du lịch sinh thái cao cấp phía tây sông Đakke có mật độ xây dựng thấp khoảng 5% và vùng không gian sinh thái nông, lâm nghiệp.

Trung tâm của đô thị Kon Plông được phân thành 3 cấp: trung tâm hành chính huyện; trung tâm đô thị; trung tâm xã được bố cục dạng tuyến tính chạy dọc theo quốc lộ 24. Phía bắc là khu vực trung tâm hành chính huyện; phía tây bắc phát triển các khu nghỉ dưỡng khách sạn cao cấp; trung tâm hành chính của đô thị và trung tâm dịch vụ du lịch mật độ cao với hai tòa tháp khách sạn 15 tầng làm điểm nhấn nằm ở phía nam của sân bay hiện trạng; khu ở kết hợp khách sạn dạng biệt thự được tập trung phát triển mới tại khu vực phía nam và phía đông sân bay hiện trạng; khu vực cửa ngõ phía nam là các trung tâm huấn luyện vận động viên quốc gia và trung tâm nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe.

Kết nối các không gian đô thị là 5 trục không gian chủ đạo, bao gồm trục quốc lộ 24 (trục chính có chức năng kết nối hầu hết các khu vực có chức năng quan trọng trong đô thị); trục thương mại dịch vụ (nằm cạnh trung tâm đô thị mới kết nối trung tâm hành chính huyện và trung tâm đô thị tương lai); trục không gian thương mại, dịch vụ và tín ngưỡng (nằm ở phía đông bắc của đô thị, tại khu vực có tượng Đức Bà). Trục không gian quan trọng thứ 4 là trục đường vuông góc với sân bay đi thủy điện Đak Pone có vai trò kết nối không gian sinh thái phía đông của đô thị vào trung tâm. Và trục cuối cùng là trục sân bay đi sang phía đông hướng thác Pa Sĩ, giúp kết nối các không gian du lịch sinh thái cao cấp phía tây đô thị với khu trung tâm.

Giữ bản sắc kiến trúc, khống chế chiều cao xây dựng

Đô thị du lịch sinh thái Kon Plông sẽ được tổ chức không gian công cộng theo dạng tầng bậc. Không gian cây xanh cảnh quan của rừng tự nhiên, quảng trường, công viên, vườn hoa là không gian mở của đô thị còn hệ thống cây xanh dọc các trục đường chính tạo sự kết nối các không gian xanh.

Để đảm bảo đô thị xanh, mật độ xây dựng ở Kon Plông sẽ được khống chế ở con số dưới 30%, riêng khu vực phía bắc mật độ xây dựng dưới 50%, nhà ở chủ yếu là nhà thấp tầng, chiều cao tối đa không quá 5 tầng, có sân vườn, khu vực hành chính, cơ quan chiều cao tối đa là 5 tầng. Khu vực nông thôn được đề nghị giữ nguyên bản sắc kiến trúc truyền thống, xây dựng nhà sàn gỗ một tầng như hiện có. Các công trình công cộng như ủy ban, trường trạm cũng xây 1 tầng theo phong cách kiến trúc truyền thống của địa phương. Công trình xây dựng trong khu vực công cộng phải tuân thủ chỉ giới xây dựng và khoảng lùi theo từng cấp loại đường giao thông, theo chiều cao khối kiến trúc chính, phù hợp với tổ chức không gian quy hoạch. Riêng trường học, bệnh viện có khoảng lùi là 20m, nếu nằm trên trục giao thông chính thì khoảng lùi là 30m để tạo không gian cổng và phần cây xanh cách ly.

Trên quan điểm chỉ xây dựng mật độ cao và công trình có khối tích lớn tại trung tâm thương mại còn các khu ở và dịch vụ du lịch khác cần xây dựng với mật độ thấp để đảm bảo không gian cây xanh, sinh thái lan tỏa vào đô thị.

Cần nâng cấp cơ sở hạ tầng

Là huyện miền núi của tỉnh Kon Tum nên giao thông đi lại của huyện Kon Plông rất khó khăn. Để phát triển đô thị Kon Plông thành đô thị du lịch sinh thái, việc đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là hết sức cần thiết.

Theo đề xuất của đồ án quy hoạch: quốc lộ 24 đi qua trung tâm thị trấn, đoạn qua trung tâm đô thị cần được nâng cấp mở rộng đạt chuẩn đường cấp III miền núi, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m, cầu cống vĩnh cửu, đảm bảo hành lang an toàn 2 bên đường. Riêng tỉnh lộ 676 cần nâng cấp đạt chuẩn đường cấp IV miền núi. Xây dựng mới đường tránh đô thị dài 4,6km thay cho quốc lộ 24 chạy qua đô thị, mặt cắt dự kiến 57,5m. Các trục đường chính khu đô thị mở rộng nối khu dân cư với khu công nghiệp và trung tâm công cộng cần được xây dựng mặt cắt 28-50m, xây dựng mới một số tuyến đường liên khu vực, mặt cắt dự kiến 19m. Một số tuyến đường liên khu vực và đường nội bộ trong khu đô thị cũ cũng cần nâng cấp cải tạo đáp ứng yêu cầu phát triển.

kientrucvietnam.org.vn