Để đờn ca tài tử Nam Bộ tiếp tục tỏa sáng
Cập nhật: 09/11/2012
Tỉnh Vĩnh Long đang có nhiều giải pháp để bảo tồn, kế thừa và phát triển loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, làm cho loại hình nghệ thuật này tiếp tục tỏa sáng, đáp ứng mong mỏi của đông đảo người dân Nam Bộ nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung là đờn ca tài tử sớm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Cùng với các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long là một tỉnh có phong trào đờn ca tài tử phát triển sớm và mạnh mẽ, phục vụ nhu cầu thưởng thức của đông đảo cư dân ở miền Tây Nam Bộ. Về cơ bản, nhạc tài tử ở Vĩnh Long có mối quan hệ với nhạc Huế. Nếu nhạc Huế là loại nhạc thính phòng, có lời ca, âm điệu hoàn chỉnh thì đờn ca tài tử Nam Bộ hình thành trên nền nhạc dân gian, mang tính chất cổ điển, gần với nhạc cung đình. Nhạc tài tử cũng có thể xem là nhạc thính phòng Nam Bộ nhưng có phong cách tự do, gần với dân gian hơn. Theo nghệ nhân Võ Viết Hưng, Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử huyện Vũng Liêm, nhạc tài tử nói chung và ở Vĩnh Long nói riêng hiện nay đều có 20 bài căn bản (bài tổ); được chia ra 4 nhóm: Điệu thức Bắc, điệu thức Nam, điệu thức oán, điệu thức Bắc lễ. Trong 20 bản tổ này có 7 bài vừa nhạc tài tử, vừa nhạc lễ. Giới nghệ sĩ lại chia ra: Nhất lý, Nhì ngâm, Tam nam, Tứ oán, Ngũ điểm, Lục xuất, Thất chính, Bát ngự, Cửu điểm, Thập thủ liên hoàn.

Theo ông nguyễn Xuân Hoanh, Trưởng Ban Quản lý Di tích tỉnh Vĩnh Long, đờn ca tài tử ở Vĩnh Long xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ 20, tiền thân là những bài ca ra bộ, phát triển thêm một bước là nghệ thuật sân khấu cải lương. Các nghệ nhân đờn ca tài tử xuất sắc của tỉnh lúc bấy giờ có ông Kinh Lịch Trần Quang Quờn, người sáng tác bản Văn Thiên Trường Lý Bá hề năm 1916 và là người có ngón đờn ca tài tử đặc sắc. Ông cũng là người có nhiều nhạc cụ dân tộc và tự làm tự chế ra nhiều loại nhạc cụ để trình diễn đờn ca theo sở thích. Theo thời gian, mỗi giai đoạn lại có thêm những nghệ nhân tiêu biểu khác nhau. Không ít nghệ nhân, nghệ sỹ nổi tiếng về lối ca tài tử trên cả nước xuất thân từ Vĩnh Long; tiêu biểu như nghệ sỹ Út Trà Ôn (1919-2011) sinh ra từ huyện Trà Ôn, có giọng ca tuyệt vời, đã được người đời phong tặng danh hiệu “vua vọng cổ” mà đến nay chưa có giọng ca nào có thể thay thế được. Tên ông đã được tỉnh Vĩnh Long chọn để đặt tên cho Hội thi giọng ca cải lương Út Trà Ôn tổ chức định kỳ 2 năm một lần để phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng các giọng ca hay của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm; góp phần thiết thực làm cho nghệ thuật đờn ca tài tử tiếp tục tỏa sáng. Hoặc như nghệ sỹ ưu tú Lệ Thủy, sinh năm 1948 ở huyện Bình Minh được giới nghệ sỹ và nhân dân Nam Bộ xem như là người có giọng ca ngọt ngào “vượt thời gian”. Hiện nay dù ở TP Hồ Chí Minh nhưng bà vẫn thường xuyên đi về quê Vĩnh Long hát mỗi khi tỉnh có dịp lễ, kỷ niệm hoặc đơn giản hơn là bà con, quê hương yêu cầu. Nơi đâu, khi nào có nghệ sỹ Lệ Thủy về là nơi đó có rất đông người dân “mê” nhạc tài tử đón xem.

Bộ nhạc trong đờn ca tài tử bao gồm các loại đờn tranh, đờn kìm, đờn tỳ bà, đờn cò, đờn tam, đờn độc huyền; gần đây có thêm đờn xến, đờn ghita phím lõm, đờn đoản và nhịp song loan. Trước đây, khi biểu diễn theo lối “hát cho nhau nghe”, các nghệ nhân và những người yêu thích ca hát đờn ca tài tử của Vĩnh Long thường chỉ sử dụng đờn kìm và đờn tranh. Sau này, khi đưa nghệ thuật đờn ca tài tử lên sân khấu thì các loại nhạc cụ được bổ sung nhiều hơn với bộ dây (bao gồm đờn kìm, đờn tranh, đờn tỳ bà, đờn cò, đờn tam); bộ hơi (bao gồm sáo, tiêu); bộ gõ bao gồm sành hoặc mõ, sau thay thế bằng song loan. Trong đờn ca tài tử Nam Bộ không sử dụng trống và kèn như trong nhạc thính phòng Huế. Cấu trúc của nhạc tài tử rất chặt chẽ, lời ca chau chuốt, nhịp nhàng. Thông thường, trước khi vào hòa nhạc (hoặc hòa ca), các nghệ sĩ hòa tấu khúc dạo đầu (rao). Nếu bản chính thuộc loại bài nào thì phải rao theo hơi đó. Sau khúc dạo đầu này, các nghệ sỹ trổ tài các ngón đờn đặc biệt của mình (như ngấn, vuốt, đổ hột, rung, vê, mổ, bấm, búng…) kết hợp với tài riêng (như lên dây thuận, dây nghịch, dây nam, dây bắc dây tư hổ- dây chính, dây tố lan). Tiếp theo, các nghệ sỹ sẽ trình bày 20 bài bản tổ theo thứ tự: 6 bản bắc, 4 bài oán, 7 bản bài và 3 bài nam; giữa các bản lớn này thường có bản ngắn chuyển tiếp. Nhạc tài tử có âm điệu nhẹ nhàng thể hiện các tâm trạng: vui, buồn, oán. Lời ca trong nhạc tài tử thường diễn tả tâm tư, tình cảm, mang đậm tính giáo dục, đạo đức và giàu yếu tố thẩm mỹ nhưng lại rất gần gũi với người dân.

Cùng với thời gian, đờn ca tài tử ở Vĩnh Long phát triển mạnh, gắn liền với nhiều hoạt động ở cả vùng quê và đô thị với nhiều loại hình: Gia đình tài, nhóm, câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử. Trong đó, loại hình CLB phát triển mạnh. Điều tra ban đầu của các địa phương cho thấy, hiện, toàn tỉnh có 148 CLB Đờn ca tài tử với 1.278 nghệ nhân tham gia sinh hoạt. Tiêu biểu nhất là các CLB đờn ca tài tử của các xã Đông Bình (huyện Bình Minh); CLB xã Trung Hiệp (huyện Vũng Liêm); CLB xã Trường An, CLB Du lịch Cửu Long (Thành phố Vĩnh Long). Theo ông Nguyễn Văn Khoai, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hóa (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long), vai trò của người Chủ nhiệm quyết định đến chất lượng hoạt động của cả CLB đờn ca tài tử. Đa phần các nhóm đờn ca tài tử ở Vĩnh Long sinh hoạt theo kiểu hợp-tan. CLB quy tụ những người yêu ca nhạc cùng sở thích, không vì mục đích kinh tế, tự nguyện sinh hoạt, có sự cho phép của địa phương, mang tính cộng đồng rất cao. Địa phương hoặc ngành chủ quản chỉ hỗ trợ một phần, còn cơ bản do các hội viên tự nguyện góp kinh phí, nhạc cụ để sinh hoạt. Các nhóm, các CLB sinh hoạt tại nhà riêng hay một vài nơi quy định chung của nhóm, của CLB. Tùy theo điều kiện và thời gian mà các nhóm, các CLB có lịch sinh hoạt định kỳ khác nhau hoặc sinh hoạt theo nhu cầu phục vụ của gia đình, địa phương trong dịp Tết, lễ, hội... Tùy theo tính chất của cuộc lễ, sau phần nhạc lễ, các nghệ sỹ chuyển sang chơi nhạc tài tử, nội dung tùy theo tính chất cuộc lễ mà chọn trong 20 bài tổ ra những bài phù hợp để phục vụ. Ngoài ra, tại Vĩnh Long hiện đang có những nhóm nhạc tài tử chuyên phục vụ trong các nhà hàng, quán ăn hay các điểm du lịch sinh thái theo yêu cầu.

Huyện Bình Minh là nơi có phong trào đờn ca tài tử gắn chặt với sinh hoạt của cộng đồng, CLB đờn ca tài tử xã Đông Bình huyện Bình Minh là một mô hình hoạt động mạnh, tiêu biểu của tỉnh. CLB hiện có gần 30 thành viên là những nông dân tham gia, sinh hoạt ca hát định kỳ vào tối thứ 7 hàng tuần tại nhà của ông Đoàn Văn Hoàng ở ấp Đông Bình. Nhiều gia đình có cả vợ, chồng, con trai, con dâu cùng sinh hoạt trong CLB đờn ca tài tử. Mọi người xem CLB là nơi để vui chơi, giải trí và thư giãn sau một tuần lao động vất vả. Ngoài sinh hoạt trong nhóm, trong CLB, thỉnh thoảng các CLB còn sinh hoạt giao lưu lẫn nhau để học hỏi kinh nghiệm.

Đờn ca tài tử Nam Bộ từ xưa đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần với người dân Vĩnh Long, đặc biệt là đối với người nông dân ở vùng quê. Loại hình đờn ca tài tử này có thể diễn ra bất cứ lúc nào, nơi nào. Lời ca, điệu nhạc tài tử lắng đọng, thấm sâu trong lòng người dân Nam Bộ, giúp họ xua tan mệt mỏi, buồn sầu hay vất vả sau thời gian lao động mệt nhọc. Nghệ thuật Đờn ca tài tử từ rất lâu đã có vai trò quan trọng và có tác động lớn đến đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ. Tuy nhiên, ngày nay, trong xu thế hội nhập, Đờn ca tài tử Nam Bộ cũng đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt với các loại hình nghệ thuật, âm nhạc hiện đại khác. Hơn nữa, thị hiếu thưởng thức văn hóa, âm nhạc của một bộ phận người dân, đa phần là lớp trẻ đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Nguy cơ mai một nền nghệ thuật di sản văn hóa đờn ca tài tử là rất cao nên cần thiết phải được khẩn trương nghiên cứu, bảo tồn và phát huy.

ĐCSVN