"Hội ngộ gốm sông Hồng đương đại" tại Đà Nẵng
Cập nhật: 03/01/2008
Từ ngày 5 đến 10/01/2008, tại Công viên 29/3, TP Đà Nẵng; sẽ diễn ra triển lãm "Hội ngộ gốm sông Hồng đương đại" với sự tham gia của 9 làng gốm Bắc Bộ nổi tiếng: Chu Đậu, Phù Lãng, Bát Tràng, Cậy, Đông Triều, Thổ Hà, Luy Lâu, Hương Canh, Đương Xá, cùng các nghệ nhân gốm tên tuổi: Nguyễn Đăng Vông (Bắc Ninh), Nguyễn Toán (Hà Nội), Vũ Hữu Nhung (Bắc Ninh), Phan Thanh Sơn…

Có đến gần 1.000 sản phẩm gốm mỹ nghệ và 70 tác phẩm gốm kỹ thuật. Đây sẽ là cuộc triển lãm gốm nghệ thuật có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của các làng gốm ven sông Hồng.  

Cuộc triển lãm "Hội ngộ gốm sông Hồng đương đại" nhân dịp đón chào xuân mới lần này sẽ là sự hội ngộ, giới thiệu vẻ đẹp những sản phẩm tinh hoa của các làng gốm Việt đương đại. Dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, gốm Việt đã được giữ gìn, bảo tồn và không ngừng phát triển, với những sản phẩm gốm mang nét đặc trưng riêng nhưng không kém phần đa dạng.

Với xuất phát điểm từ làng gốm Chu Đậu và Cậy, là làng nghề thủ công từ thế kỷ XV đã vang tiếng khắp châu Á, gốm Chu Đậu thể hiện kỹ thuật tinh xảo, kết hợp vẽ lam nhiều màu hay vẽ vàng kim lẫn nung, cùng nhiều đề tài trang trí mang đậm tính dân tộc. Làng gốm sứ Bát Tràng 500 tuổi, bên tả mạn sông Hồng thuộc huyện Gia Lâm với những sản phẩm gốm phản ánh đời sống tâm linh và triết lý của con người Việt Nam.  

Từ thời đại nào, dù thịnh hay suy thì làng gốm Bát Tràng vẫn khẳng định giá trị hàng hoá của mình. Nơi đây, ghề gốm vẫn trụ vững, vượt qua mọi thử thách, khẳng định gốm Việt Nam thuộc nhóm 1 của thế giới và gốm Bát Tràng đứng đầu nhóm 1 đó.

Tại cuộc triển lãm, chúng ta còn được gặp gỡ các nghệ nhân gốm của tỉnh Bắc Ninh - địa danh chuyên sản xuất các đồ gốm dân gian, gia dụng rất đẹp và duyên dáng hay "tiếp tục hành trình văn hoá" đến với vịnh Hạ Long để có dịp ngắm nhìn bộ Lò rồng rất uy nghi, oai vệ của Đông Triều...  

Về với Thổ Hà, Đương Xá, Hương Canh đậm đặc chất men phù sa truyền thống. Làng gốm Phù Lãng, Bắc Ninh, một làng nghề truyền thống phát triển mạnh vào thế kỷ XVII - XIX, gốm có sắc vàng sẫm (men da lươn) cùng những sản phẩm nổi tiếng như: hương, đỉnh, chum, nồi, vại.

Ngày nay, ngoài những sản phẩm truyền thống, nghệ nhân gốm Phù Lãng còn sáng tạo một số sản phẩm mới như bình, lọ, trang trí kiến trúc rất đặc sắc... Hay gốm Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) là một trong những sản phẩm gốm chuẩn mực của dòng gốm dân gian cổ đại. Từ trước công nguyên nơi đây đã có những làng gốm quy mô khá lớn, tạo ra những sản phẩm dòng gốm phương Nam độc đáo. Dòng gốm Luy Lâu đương đại là sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại rất đặc trưng...

Theo ông Nguyễn Hữu Hương, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: Trong khuôn khổ triển lãm lần này, ngoài những sản phẩm chọn lọc từ tinh hoa của các làng gốm, triển lãm còn có những hoạt động văn hoá phong phú, hấp dẫn như: Giới thiệu rễ cây đại thụ (Gia Lai), đèn lồng (Hội An), sản phẩm mỹ nghệ từ tre, trúc (Hà Tây); gỗ lũa Tây Nguyên; chợ gốm, sản phẩm lưu niệm nhà quê Bắc Hà; hát tuồng; chiếu chèo Bắc Bộ; tranh Đông Hồ và biểu diễn thư pháp; cùng các hoạt động văn hoá: Trà Việt và đêm thơ "Hội ngộ những dòng sông"; ẩm thực đặc sản Mì Quảng vùng đất dinh trấn Thanh Chiêm...

Một số sản phẩm gốm độc đáo nhất cũng được bán đấu giá gây quỹ hỗ trợ và tặng quà Tết cho người nghèo tại các huyện Hiệp Đức, Quế Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam và huyện Hoà Vang thuộc TP Đà Nẵng...
Báo Hà Nội Mới