Phát hiện di tích, thắng cảnh thứ 20 của đất cố đô
Cập nhật: 23/11/2012
Suối nước nóng thuộc thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) vừa được xác định từng được xếp hạng là một trong 20 cảnh đẹp đất cố đô.

Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, khi khảo sát tại suối nước nóng ở lòng hồ Tả Trạch (thuộc xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy), ngày 9/11 vừa qua, đoàn đã xác định ở đây có 2 tấm bia. Một tấm cao 1,6m, rộng 0,86m, dày 0,2m. Trán bia chạm hình lưỡng long chầu nhật và thân bia chạm hoa lá cách điệu, bệ chạm hoa văn kỷ hà theo phong cách cung đình; bề mặt bia bị nước và thời gian bào mòn không còn thấy dấu khắc của chữ. Còn tấm bia kia nhỏ hơn, mặt trước khắc hai chữ “Lãnh Giản”, mặt sau khắc “Minh Mạng thập bát niên, tam nguyệt cát nhật” (ngày tốt, tháng ba, năm Minh Mạng thứ 18).

Theo tư liệu lịch sử, vào năm Minh Mạng thứ 18 (1838), triều đình cho khắc dựng 3 bia suối nước nóng tại đây. Trong đó 1 tấm bia lớn khắc bài ký về suối nước nóng (Thang Hoằng Ký) của vua Minh Mạng, 2 bia nhỏ khắc tên suối là Thanh Giản (nghĩa là khe trong) và Lãnh Giản (khe lạnh). Vào năm 1844, khi lên ngắm cảnh ở suối nước nóng này, vua Thiệu Trị nhớ lại hồi trước theo vua cha lên đây, ông làm bài thơ “Tây Lĩnh Thang Hoằng”, khắc vào bia đá.

Ông Nguyễn Phước Hải Trung cho biết, khả năng tấm bia lớn vừa phát hiện tại khu vực suối nước nóng là tấm bia Thang Hoằng Ký của vua Minh Mạng. Trên cơ sở các tấm bia này, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế sẽ tiếp tục nghiên cứu. Đối chiếu với tư liệu lịch sử thì rõ ràng ở đây phải có 4 tấm bia, hai cái đang có là tấm bia Thang Hoằng Ký của vua Minh Mạng và tấm bia Lãnh Giản. Khớp toàn bộ câu chuyện này lại thì thấy rằng đây là thắng cảnh thứ 20 mà vua Thiệu Trị từng xếp hạng cho cố đô Huế.

Hiện, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Bảo tàng cổ vật cung đình Huế đang lập phương án để di chuyển 2 tấm bia này về bảo quản tại bảo tàng, đồng thời nỗ lực tìm kiếm các tấm bia còn lại.

Báo Khánh Hòa