Tại hội nghị thường niên về đầu tư và quản lý Bất động sản (BĐS) Du lịch Việt Nam 2012 vừa được tổ chức tại TPHCM các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đưa ra các giải pháp, các mô hình kinh doanh nhằm đáp ứng những thay đổi trong ngành khách sạn.
Nhiều tiềm năng chưa khai thác
Bất động sản du lịch là một phân khúc được rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tuy nhiên trong những năm qua, phân khúc này vẫn chưa được khai thác đúng mức. Giá trị BĐS du lịch rất lớn nên chỉ dành cho những nhà đầu tư và giới có tiền. Nay trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, thị trường BĐS du lịch thời gian qua cũng bị chững lại. Đặc biệt là ngành khách sạn, lượng khách du lịch giảm sút, tỷ suất phòng giảm...
Đánh giá về tiềm năng trong lĩnh vực này, các nhà nghiên cứu thị trường cho rằng, đời sống của người dân ngày càng cao, nhu cầu về du lịch ngày một lớn và rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang hướng sự quan tâm của họ đến Việt Nam. Nhu cầu về khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp về mặt dài hạn còn rất lớn. Thời gian tới, số dự án trong lĩnh vực khách sạn sẽ còn tiếp tục gia tăng với nhiều khu lưu trú cao cấp để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường du lịch.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, số lượt khách quốc tế năm 2011 là 6,01 triệu, 9 tháng năm 2012 đạt 4,9 triệu, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách du lịch trong nước năm 2011 đạt 30 triệu, 9 tháng năm 2012 đạt 25,5 triệu, dự kiến sẽ lên 32 triệu khách du lịch trong năm 2012. Doanh thu du lịch trong năm 2011 đạt 130 nghìn tỷ đồng, năm 2012 ước tính đạt khoảng 150 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị đóng góp của ngành Du lịch vào GDP là 246.814 tỷ đồng năm 2011 (chiếm 10% GDP); dự kiến sẽ tăng 5,3% đạt 259.843 tỷ đồng (chiếm 9,9% GDP) trong năm 2012.
Nhưng đến thời điểm này, giá phòng, công suất phòng có dấu hiệu giảm từ 5% đến 10%, thị trường khách sạn 5 sao đang có dấu hiệu chững lại. Có nhiều khách quốc tế trong khu vực hơn, nhưng thường đặt phòng tại khách sạn mức phí thấp hơn. Trong khi bình quân chi phí lương và các chi phí liên quan ngày càng tăng. Do đó lĩnh vực du lịch và khách sạn được đánh giá là ngành có mức hấp dẫn cao (50%) trong năm 2011, nhưng đến quý 4/2012, sức hấp dẫn giảm mạnh, xuống còn 38%.
Thay đổi để hút khách
Ông Matthew Lourey, Giám đốc điều hành, Tập đoàn Hive cho rằng, tại Việt Nam, trung bình chỉ khoảng 62% doanh thu của khách sạn là từ nguồn thu cho thuê phòng. Trong khi các khách sạn có thể tìm kiếm nguồn thu cho mình bằng việc tối đa hóa lựa chọn chi tiêu của khách hàng. Việc nắm rõ được những yếu tố này sẽ giúp gia tăng doanh thu và lợi nhuận.
Ông Matthew Lourey lấy một ví dụ điển hình là tại Backpackers Hotel Hà Nội, giá thuê phòng chỉ với 9,50 USD một đêm, làm sao họ có được lợi nhuận? Doanh thu từ cho thuê phòng chỉ là một phần nhỏ trong tổng số doanh thu. Họ hiểu rõ mục tiêu thị trường của mình, các yếu tố ảnh hưởng và tận dụng chúng. Thức ăn và đồ uống được nhắm tới để phục vụ khách hàng theo vùng miền. Các món phương Tây rẻ hơn, nhưng vẫn có chất lượng tốt. Bán hàng hợp thời trang, giá phải chăng và quảng cáo bởi nhân viên khách sạn. Các chương trình khuyến mãi được đặt mục tiêu là để kích thích chi tiêu của khách và thu hút khách bên ngoài đến mua sắm.
Dịch vụ khách hàng và upselling - nhân viên luôn hòa nhập với khách hàng để bán hàng khi giao tiếp. Với những khách hàng ở dài hạn cần kèm theo khuyến mãi dịch vụ như giặt ủi hay spa...
Tại hội thảo, các chuyên gia về ngành khách sạn cho rằng, sự suy thoái gây ra những khó khăn nhưng cũng mang lại những cơ hội phát triển cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và chủ sở hữu có định hướng đúng đắn từ đó đưa ra các mô hình kinh doanh để đáp ứng những thay đổi trong ngành khách sạn.
Để thu hút khách, quan niệm truyền thống về địa điểm phục vụ bữa sáng, cà phê cũng cần thay đổi. Hiện nay địa điểm phục vụ bar và cà phê được chuyển đổi thành những khu vực hội họp hấp dẫn. Khu vực sảnh công cộng không còn là khu vực chờ nhàm chán mà là những khu vực được mong chờ để vui chơi. Mini-Bar không còn được cung cấp bên trong từng phòng mà được thay thế bằng siêu thị mini đặt tại sảnh chờ, cung cấp đa dạng hàng hóa. Một số khách sạn thậm chí còn có đường dây nóng giao hàng tận phòng. Với thực đơn, nên tập trung vào những món ngon nhất, thay vì là sưu tầm các món có thể nấu được tại Việt Nam. Đặt các bảng quảng cáo thức ăn khuyến mãi trong mỗi phòng, khách hàng có thể sẽ chi tiêu ngẫu hứng...