Đưa đình Bình Đông vào tuyến du lịch đường sông
Cập nhật: 30/11/2012
“Quận ủy quận 8 và Sở VHTTDL TP. Hồ Chí Minh đang lập kế hoạch đưa đình Bình Đông vào tuyến du lịch đường sông.

Đây là nơi bác Tôn Đức Thắng đến dự nhiều cuộc họp quan trọng từ năm 1925-1928, là nơi cất giấu các tài liệu hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” - bà Trần Thị Cúc, cán bộ Trung tâm Văn hóa quận 8 cho biết tại cuộc họp báo trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích lưu niệm của Chủ tịch Tôn Đức Thắng diễn ra vào sáng ngày 28-11 tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (5 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh).

Cũng tại buổi họp báo, các đại biểu đã cùng thảo luận về việc phát huy giá trị di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại xưởng cơ khí Ba Son (quận 1, TP. Hồ Chí Minh).

Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hội Di sản văn hóa Việt Nam vừa gửi công văn đề nghị Sở làm hồ sơ trình UBND thành phố, Bộ VHTTDL xếp hạng Ụ tàu lớn và các công trình có liên quan là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Hội Di sản nhận định đối với di tích xưởng cơ khí Ba Son, về nguyên tắc, phải giữ nguyên trạng toàn bộ yếu tố gốc cấu thành di tích, cả nội thất và ngoại thất, khôi phục các trang thiết bị của nhà xưởng. Trong trường hợp không có điều kiện phục hồi lại toàn bộ các trang thiết bị nhà xưởng thì có thể sử dụng một phần không gian nội thất nhà xưởng này làm nơi trưng bày bảo tàng với điều kiện không làm sai lệch hoặc biến dạng kiến trúc công trình nhà xưởng. Đối với Ụ tàu lớn và các công trình có liên quan trong khu vực Ba Son cần được giữ lại, bảo tồn và phát huy giá trị như là một di tích lịch sử-văn hóa quan trọng của TP. Hồ Chí Minh và của cả nước.

Báo Pháp luật