(TITC) - Sáng ngày 05/12/2012, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp du lịch khu vực phía Bắc nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch và cuộc họp Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch năm 2012. Đây là hội nghị có tính chất tổng kết các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp du lịch trên cả nước sau khi đã tổ chức lấy ý kiến tại miền Trung và miền Nam cuối tháng 11 vừa qua.
Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về Du lịch phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
|
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, một số ban, ngành Trung ương và địa phương, trên 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch khu vực phía Bắc và đại diện các doanh nghiệp khu vực miền Nam và miền Trung đã tham dự hội nghị trong các ngày 28 và 30/11 vừa qua; lãnh đạo các Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; các Hiệp hội du lịch; và đông đảo đại diện các cơ quan truyền thông và báo chí. Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đề cập đến việc tập trung xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia của Việt Nam vừa khác biệt vừa mạnh mẽ, nâng cao tính cạnh tranh, làm cơ sở cho công tác xúc tiến quảng bá, nhằm thu hút một lượng lớn khách quốc tế đến Việt Nam.
Về vấn đề xúc tiến quảng bá, các đại biểu đánh giá đầu tư cho xúc tiến quảng bá ở nước ta còn nhỏ bé so với nhu cầu và các nước trong khu vực. Theo ông Lưu Đức Kế (Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist), ngân sách dành cho xúc tiến du lịch của Việt Nam năm 2012 chỉ tương đương 0,25 USD/khách, trong khi các nước như Thái Lan, Singapore là 10-15 USD/khách. Việc mở văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài cũng cần xem xét thúc đẩy vì điều này rất cần thiết cho công tác xúc tiến quảng bá.
Các đại biểu đề nghị để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động kinh doanh du lịch như: tiếp tục duy trì chính sách miễn visa cho công dân một số nước vào Việt Nam; xem xét lại việc tăng lệ phí visa từ 1/1/2013 bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc này có thể hạn chế lượng khách quốc tế đến Việt Nam, đẩy giá tour du lịch tăng cao; có các chính sách ưu đãi về thuế đất, thuế nhập khẩu ôtô phục vụ du lịch, thời hạn sử dụng ôtô du lịch.
Các ý kiến cũng tập trung vào các vấn đề bảo vệ môi trường du lịch, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh cho du khách. Tình trạng mất an toàn giao thông, lừa đảo, chèo kéo, ép khách tại nhiều địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm về du lịch đã gây nên tâm lý lo lắng, quan ngại của của khách du lịch. Nếu không được xử lý kiên quyết sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch Việt Nam và làm suy giảm lượng khách du lịch đến nước ta.
|
Toàn cảnh Hội nghị
|
Các đại biểu cũng cho rằng tính liên kết trong quy hoạch, phát triển du lịch của các địa phương chưa thật sự hiệu quả, quy hoạch có nơi chồng chéo, sản phẩm trùng lặp, liên kết còn mang tính hình thức, một số địa phương tăng giá vé tham quan đột ngột, gây khó khăn cho doanh nghiệp...
Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước cũng như trên thế giới đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, ngành Du lịch Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, được Đảng và nhà nước ghi nhận, đánh giá cao. Cả năm 2012, ngành Du lịch dự kiến sẽ đón được 6,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 11% so với năm 2011, phục vụ 32,5 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 7% so với năm 2011, tổng thu du lịch dự kiến đạt 160 ngàn tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011. Du lịch được đánh giá là điểm sáng về kinh tế và dịch vụ trong bối cảnh kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và thành tựu kể trên, hiện nay vẫn còn có những bất cập, hạn chế, yếu kém đang cản trở sự phát triển của ngành du lịch cần được khắc phục để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành du lịch trong giai đoạn mới. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch chỉ đạo các Bộ, Ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch nghiên cứu, đề xuất những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn theo nguyện vọng chính đáng của các doanh nghiệp.
Bộ trưởng cũng đề nghị Phó Thủ tướng báo cáo đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về phát triển du lịch nhằm thực hiện chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư tại Hội nghị BCH TW lần thứ 6 vừa qua trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Thông báo kết luận 179-TB/TW năm 1998 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trong thời kỳ mới.
|
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị
|
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp du lịch và cho rằng đây là hình thức hợp tác công tư ít tốn kém, hiệu quả cao, qua đó các nhà quản lý hiểu rõ hơn về thành công và khó khăn của doanh nghiệp cũng như nhu cầu đổi mới chính sách quản lý nhà nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo Bộ VHTTDL tổng hợp tất cả các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp du lịch trong cả nước để chuẩn bị cho cuộc họp Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch sắp tới. Đồng thời, Phó Thủ tướng nhất trí và giao Bộ VHTTDL chuẩn bị các nội dung để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất Bộ Chính trị ra nghị quyết mới về phát triển du lịch trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Thông báo kết luận số 179-TB/TW ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị về “phát triển du lịch trong thời kỳ mới”, trên cơ sở đó chuẩn bị nghị quyết của Chính phủ về phát triển du lịch.
Phó Thủ tướng cho biết, trong tháng 12/2012, Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đây sẽ là hai văn bản quan trọng cho phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Truyền Phương