Ngày 18/12, Cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP.HCM cùng với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Công tác xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực du lịch và tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam” với sự tham dự của nhiều đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, các trường đại học - cao đẳng và đại diện Sở VHTTDL các tỉnh, thành phía nam, các doanh nghiệp và chuyên gia về du lịch…
Bà Lê Mai Khanh, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) cho biết, Việt Nam đã công bố 8 tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch gồm: Tiêu chuẩn về khách sạn, biệt thự du lịch, bãi cắm trại du lịch, làng du lịch, căn hộ du lịch, nhà nghỉ du lịch, tiêu chuẩn nhà ở có phòng cho khánh du lịch thuê và tiêu chuẩn xếp hạng tàu thủy lưu trú du lịch. Tiêu chuẩn thứ 9 cũng được xây dựng và sắp công bố.
Tính đến nay, nước ta có khoảng 13.500 cơ sở lưu trú du lịch với 285.000 buồng; tuy nhiên, chất lượng của hệ thống lưu trú nói trên còn rất hạn chế. Dự báo đến năm 2015, Việt Nam có khoảng 14.250 cơ sở lưu trú với 384.000 buồng, đến năm 2020 đạt khoảng 18.420 cơ sở với 600.000 buồng. Điều này cho thấy nhu cầu áp dụng tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch trong giai đoạn tới là rất lớn. Do đó, việc sửa đổi hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn xếp hạng cho hệ thống cơ sở lưu trú du lịch là yêu cầu tất yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch.
Bên cạnh đó, việc phát triển và đào tạo nguồn nhân lực tại các cơ sở giáo dục còn rất nhiều hạn chế; trong khi đó, việc thống nhất các tiêu chí, tiêu chuẩn đào tạo nghề, kỹ năng nghề vẫn còn nhiều bất cập…. "Vì thế, việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực du lịch và tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam trở nên rất cấp thiết và quan trọng", ông Lê Văn Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP.HCM nhấn mạnh. Theo ông Phó Đức Sơn, Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực văn hóa nói chung và du lịch nói riêng cần quan tâm đến kiến thức cơ bản về tiêu chuẩn và xây dựng tiêu chuẩn, đối tượng của tiêu chuẩn và quy chuẩn trong lĩnh vực du lịch, nhu cầu đối với tiêu chuẩn và quy chuẩn, quy hoạch và kế hoạch xây dựng, nguồn lực xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn. Trong xác định đối tượng, cần chú trọng đến sự hài hòa giữa phương pháp tiếp cận tiến bộ của quốc tế với đặc thù văn hóa, trình độ phát triển của Việt Nam.
Nói về tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch, tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) cho biết, Bộ VHTTDL phối hợp với một số Bộ liên quan đã xây dựng và chuẩn bị ban hành 8 tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia về du lịch. Bộ tiêu chuẩn này sẽ giúp cho người lao động định hướng nâng cao trình độ, người sử dụng lao động có cơ sở tuyển chọn lao động, các cơ sở đào tạo có căn cứ để xây dựng chương trình đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động.
Tiến sĩ Mai Hà Phương, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM nhìn nhận, bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề sẽ tạo khung pháp lý cho công tác quản lý, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong những năm tới. Do đó, cần sớm hoàn thiện và ban hành để áp dụng thống nhất trong tất cả các cơ sở đào tạo trên toàn quốc, xem đây là thước đo đầu ra của mỗi chuyên ngành đào tạo.