Tạo sức bật cho du lịch Tây Bắc
Cập nhật: 19/12/2012
Hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (TBMR) thời gian gần đây với các nội dung phong phú đa dạng, đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Tuy nhiên để du lịch Tây Bắc thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần có những đột phá mới.

Khởi sắc du lịch Tây Bắc

Với vẻ đẹp nguyên sơ và hùng vĩ, Tây Bắc là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Nơi đây cũng nổi tiếng với các khu di tích lịch sử đã được xếp hạng, cùng với các yếu tố văn hóa vật thể và kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc thật sự là tài sản vô giá, là tiềm năng to lớn để chúng ta có thể khai thác, tạo sức bật cho thương hiệu du lịch Tây Bắc.

                                    Chợ phiên ở Mường Khương

Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai Trần Hữu Sơn cho biết: Sáng kiến liên kết phát triển du lịch của khu vực 8 tỉnh TBMR đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, các tổ chức, cá nhân, các đơn vị tư vấn du lịch trong và ngoài nước. Theo đánh giá của các chuyên gia ngành du lịch: Hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh TBMR giai đoạn 2008 - 2012 đã khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của mỗi địa phương, thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch của khu vực bằng việc triển khai chuỗi các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồng thời quảng bá xúc tiến đầu tư du lịch, góp phần quan trọng trong việc thu hút khách du lịch đến với vùng TBMR.

Qua liên kết phát triển du lịch, 8 tỉnh TBMR đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, xây dựng và phát triển được nhiều sản phẩm du lịch mới đặc thù; tích cực hợp tác đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực du lịch trong khu vực; hình ảnh thiên nhiên, con người, văn hóa của các địa phương được tuyên truyền sâu rộng, đậm nét tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế qua website chung của 8 tỉnh với địa chỉ truy cập http://dulichtaybac.vn. Nhờ đó, lượng du khách đến các tỉnh trong khu vực đã tăng đáng kể qua các năm, chất lượng tour du lịch có những bước đột phá tại từng địa phương. Riêng năm 2012, 8 tỉnh đã đón trên 10,4 triệu lượt khách du lịch, tăng 7% so với năm 2011. Tổng doanh thu du lịch xã hội đạt 4.328 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2011.

Hiện trên địa bàn 8 tỉnh đã có trên 1.305 cơ sở lưu trú, với 16.776 phòng (trong đó có 1.196 khách sạn từ 1 - 4 sao, 1.081 nhà nghỉ). Nhiều khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở khu vực cũng đang khẳng định thương hiệu, được du khách đánh giá cao về chất lượng dịch vụ, như: Topas Ecolodge (Lào Cai); khu du lịch Village Vũ Linh khu vực hồ Thác Bà (Yên Bái); Panhouse (Hà Giang), Uva (Điện Biên)… Các cơ sở lưu trú tại gia ở các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn 8 tỉnh cũng tăng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.

Đặc biệt, du lịch Tây Bắc đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư như Saigontourist, Công ty TNHH tập đoàn Đông Dương (Indochina Group), Công ty Cổ phần Ao Vua... Trong năm 2012, tám tỉnh thu hút được 35 dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch, trong đó Sơn La có 8 dự án; Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ có 6 dự án; Yên Bái, Hoà Bình có 4 dự án; Điện Biên 2 dự án; Hà Giang có 1 dự án.

Tạo đột phá

Du lịch Tây Bắc đã khởi sắc, song trên thực tế sự liên kết phát triển du lịch của 8 tỉnh TBMR vẫn gặp phải những rào cản khiến cho thương hiệu du lịch Tây Bắc chưa có sự bứt phá mạnh mẽ; chưa phát huy lợi thế riêng của vùng đó là du lịch cộng đồng đặc trưng gắn với văn hóa dân tộc và các điểm du lịch đặc thù như du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử, du lịch sông nước.

Thực tế cho thấy, các hoạt động hợp tác trong liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc vẫn thiếu vắng sự tư vấn của các chuyên gia; các doanh nghiệp du lịch lớn chưa thực sự vào cuộc để chung tay với khối cơ quan quản lý Nhà nước trong phát triển du lịch và dịch vụ. Các sản phẩm du lịch chưa thực sự phong phú và mang đậm phong cách các dân tộc Tây Bắc. Đặc biệt, cơ chế hợp tác giữa 8 tỉnh chưa thể hiện rõ sự ràng buộc trách nhiệm của các tỉnh trong việc tham gia vào các hoạt động chung, dẫn đến kết quả triển khai các hoạt động chưa cao. Bên cạnh đó, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch tại các vùng giáp danh giữa các tỉnh chưa được quan tâm, ảnh hưởng đến việc liên kết tổ chức các tuyến du lịch trong khu vực.

Ông David, du khách người Anh cho biết: “Đến với Sa Pa (Lào Cai), tôi rất yêu bản sắc văn hóa đặc trưng của từng dân tộc nơi đây, tôi và bạn bè đã đến thăm các điểm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, các bản mà chúng tôi được đưa tới, sản phẩm du lịch cũng như ẩm thực đều na ná giống nhau. Tôi muốn tìm một món đồ lưu niệm tượng trưng cho Lào Cai nhưng khó quá. Các bạn muốn phát triển du lịch, mỗi bản làng cần phải giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, tạo ra tính đa dạng của văn hóa".

Du lịch khu vực Tây Bắc có thế mạnh về tài nguyên nổi bật trên phương diện du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng. Các tài nguyên này phân bổ theo vùng du lịch của mỗi địa phương và không gian khác nhau. Vì vậy, để “thương hiệu du lịch Tây Bắc” thực sự có “sức bật” trong tương lai, 8 tỉnh TBMR cần bàn thảo xây dựng chiến lược phát triển, đưa ra tầm nhìn chung và xây dựng kế hoạch phát triển du lịch đặc trưng của từng địa phương. Trong đó, cần chú trọng đến việc xây dựng quy hoạch du lịch chi tiết và quy chế hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực của 8 tỉnh TBMR; đẩy mạnh hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, tập trung xây dựng và quảng bá để du khách thấy khu vực Tây Bắc là điểm đến tươi đẹp, thân thiện, an toàn, mến khách, là điểm đến của du khách. Hơn nữa, rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của UBND các tỉnh; sự năng động, sáng tạo và phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành các địa phương và sự quan tâm, phối hợp tuyên truyền mạnh mẽ, hiệu quả của các cơ quan truyền thông.

ĐCSVN