Du lịch Kiên Giang với “điểm nhấn” Phú Quốc
Cập nhật: 27/12/2012
Du lịch - ngành “công nghiệp không khói” được xác định là một trong 4 thế mạnh trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang, với nhiều di tích lịch sử và danh thắng nổi tiếng.

Đặc biệt, đảo Phú Quốc đang tập trung đầu tư xây dựng thành trung tâm du lịch sinh thái biển, đảo chất lượng cao của cả nước, khu vực Đông Nam Á và thế giới. Đây là “điểm nhấn” có sức mạnh nội lực để ngành du lịch Kiên Giang phát triển nhanh hơn trong thời gian tới, nhất là từ khi cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đi vào hoạt động.

Tập trung nguồn lực cho “đảo ngọc”

Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020, Kiên Giang quy hoạch chi tiết 22 khu du lịch với tổng diện tích 5.172,5 ha; trong đó có 11 khu du lịch sinh thái, 2 khu du lịch hỗn hợp, 2 khu phức hợp, 3 khu du lịch ngoài chức năng khác và 4 sân golf. Tỉnh tăng cường quảng bá du lịch Phú Quốc, giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng du lịch, các đề án quy hoạch, dự án thu hút đầu tư, các cơ chế chính sách ưu đãi; đã thu hút 145 dự án phát triển du lịch và 480 đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, tổng vốn đăng ký 915 tỷ đồng. Trong số các dự án nói trên, hiện có 9 dự án đi vào hoạt động, vốn đầu tư 713 tỷ đồng; 14 dự án đang triển khai xây dựng với vốn đầu tư 5.688 tỷ đồng. Các cơ sở kinh doanh, hoạt động du lịch trên đảo Phú Quốc được đầu tư xây dựng khang trang, với 100 nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ có khả năng phục vụ 2.500 khách lưu trú/ngày.

Ông Văn Hà Phong, Bí thư Huyện ủy Phú Quốc cho biết: Huyện đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa vào thế mạnh về tài nguyên du lịch, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái; hình thành hệ thống khu, tuyến, điểm du lịch kết nối với các tỉnh, vùng, miền và các tỉnh giáp biên của Campuchia, Thái Lan. Sân bay quốc tế Phú Quốc đã chính thức được đưa vào khai thác kết hợp với nhiều yếu tố nội lực khác của đảo, sẽ tạo sức bật cho du lịch Phú Quốc phát triển và hòn đảo ngọc này gần hơn với thế giới.

Phú Quốc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm đặc thù như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, biển, đảo. Các loại hình câu cá ban ngày, câu mực ban đêm, lặn biển ngắm san hô phát triển mạnh, với hơn 100 tàu phục vụ du khách. Du lịch kết hợp với tổ chức hội nghị, hội thảo, du lịch Mice được chú trọng và đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo cấp tỉnh, khu vực, quốc gia, quốc tế, thu hút nhiều khách du lịch. Những đặc sản đặc trưng của đảo như: nước mắm, hồ tiêu, rượu sim, ngọc trai, chó Phú Quốc... không ngừng được nâng cao chất lượng, có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế, hấp dẫn du khách. Từ năm 2005 đến nay, khách du lịch tăng bình quân 13%/năm. Năm 2012, Phú Quốc đón hơn 362.200 lượt khách du lịch, trong đó có gần 97.000 lượt khách quốc tế (tăng 3,37% so với năm 2011), doanh thu du lịch 910 tỷ đồng.

Ông Văn Hà Phong, Bí thư Huyện ủy Phú Quốc nói thêm: Du lịch Phú Quốc hiện còn nhiều rào cản, bất cập trong tiến trình phát triển. Tiềm năng du lịch chưa được khai thác đúng mức do cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa đồng bộ, lực lượng hướng dẫn viên và thuyết minh còn thiếu, yếu. Các sản phẩm du lịch tạo ra chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên sẵn có, thiếu tính độc đáo, sáng tạo; chưa kết hợp chặt chẽ giữa di tích, thắng cảnh thiên nhiên với các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe... để thu hút, giữ chân du khách và mang lại lợi nhuận cao. Các loại hình du lịch như: trung tâm thể thao dưới nước, công viên hải dương... chưa được tập trung đầu tư. Nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch chậm được triển khai thực hiện.

Trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 633/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030, trong đó xây dựng Phú Quốc trở thành một thành phố biển đảo, trung tâm du lịch, dịch vụ cao cấp và khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Theo dự báo, đến năm 2020 Phú Quốc đón 2 - 3 triệu khách/năm (khách quốc tế chiếm 35% - 40%); năm 2030 khoảng 5 - 7 triệu khách/năm (khách quốc tế chiếm 45% - 50%). Vùng phát triển du lịch sinh thái, tổng diện tích 3.051 ha bố trí dọc theo bờ biển phía tây đảo, nằm trên địa bàn các xã Gành Dầu, Bãi Dài, Cửa Cạn; phía bắc đảo là các xã Bãi Thơm, Rạch Tràm, Rạch Vẹm và phía nam đảo gồm Bãi Sao, Bãi Khem, quần đảo Nam An Thới. Vùng này đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, giải trí thể thao biển, sân golf, công viên chuyên đề biển, tham quan làng nghề, làng chài truyền thống, du lịch sinh thái hỗn hợp... Vùng phát triển du lịch hỗn hợp 810 ha, bố trí tại khu vực Bãi Vòng, Vịnh Đầm, đầu tư xây dựng khu dịch vụ du lịch hỗn hợp đa năng và sân golf, giải trí du lịch biển... Vùng phát triển phức hợp du lịch, dịch vụ có diện tích 1.235 ha ở khu vực Bãi Trường là vùng du lịch hỗn hợp, trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch...

Phú Quốc xây dựng các điểm du lịch đặc trưng, gồm: điểm tham quan khu tưởng niệm nhà tù Phú Quốc, Suối Tranh, Suối Tiên, Suối Đá Bàn, Suối Lớn, núi Chúa, núi Ra Đa, núi Điện Tiên, núi Ông Phụng, Trâu Nằm, Gành Dầu, hồ Cửa Cạn, sông Rạch Tràm, sông Rạch Đầm, sông Dương Đông và nhiều điểm du lịch làng nghề, làng chài truyền thống.

Phú Quốc xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, du lịch sinh thái thân thiện với môi trường tự nhiên. Tỉnh ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực để phát triển các dự án du lịch chất lượng cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; đầu tư xây dựng các tuyến, điểm du lịch kết nối tour với các tỉnh lân cận, các nước trong khu vực và thế giới.

Tỉnh Kiên Giang kiến nghị, đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện nhanh, nhằm mục tiêu phát triển hòn đảo ngọc này trở thành đặc khu hành chính - kinh tế trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Đối với các quy hoạch phát triển ngành du lịch, kiến nghị tập trung rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cho phép địa phương cơ chế linh động phù hợp tình hình thực tế và nhu cầu phát triển của Phú Quốc.

vhttdlkv3.gov.vn