Để từng bước khắc phục khó khăn và phát huy những tiềm năng, lợi thế ở địa phương, những năm qua, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã có sự đầu tư vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch (TMDVDL) được đánh giá là một trong những khâu “đột phá”, góp phần lớn vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội.
Nhìn từ nhiều góc độ, phát triển TMDVDL là một trong các lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện Mèo Vạc, vì vậy luôn được huyện chú trọng để tạo ra sự đột phá. Bước đột phá lớn nhất là vào tháng 4/2007, Ban chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện Mèo Vạc khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 12 về phát triển TMDVDL đến năm 2010. Đây được coi là bước “chuyển mình” mạnh mẽ nhất, đánh dấu sự phát triển không ngừng của lĩnh vực này trong suốt thời gian qua.
|
Qua triển khai thực hiện, hoạt động TMDVDL luôn có mức tăng trưởng khá, bình quân hàng năm đạt trên 20%. Các loại hình kinh doanh và các hộ kinh doanh có bước phát triển nhanh; có trên 350 hộ kinh doanh tổng hợp; thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Chợ trung tâm huyện và hệ thống chợ nông thôn các xã Sơn Vĩ, Xín Cái, Khâu Vai, Niêm Sơn, Tát Ngà được quan tâm xây dựng mới và nâng cấp mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trao đổi hàng hoá và đảm bảo đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. Đặc biệt, cặp cửa khẩu Săm Pun - Điền Bồng đang từng bước được đầu tư xây dựng, hướng tới phát triển mạnh kinh tế vùng biên mậu, góp phần nâng tổng mức lưu chuyển hàng hóa của huyện trong thời gian qua đạt trên 150 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 20 tỷ đồng; dịch vụ vận tải hàng hóa, vận chuyển hành khách đạt trên 10 tỷ đồng; dịch vụ viễn thông đã cung cấp 11.000 thuê bao điện thoại (đạt tỷ lệ 15,3 máy/100 dân), 448 cổng thuê bao Internet cho gần 2.000 dân sử dụng. Hiện nay, huyện có 17 cơ sở khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng đảm bảo phục vụ tốt cho khoảng 10.000 lượt du khách/năm cùng với các điểm du lịch hấp dẫn như chợ tình Khâu Vai, thắng cảnh Quốc gia Mã Pì Lèng, làng văn hóa du lịch người Mông tại Tả Lủng B, làng Văn hóa du lịch của người Lô Lô tại Sảng Pả A, rừng “hoa đá” tại Lũng Pù, Khâu Vai... tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc mầu của con người và thiên nhiên Mèo Vạc trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Những thành tựu đó đã thực sự tạo ra bước đột phá lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện trong thời gian qua.
Để duy trì tốc độ phát triển và hiệu quả hoạt động TMDVDL, huyện Mèo Vạc đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh khuyến khích đầu tư, hoạt động thương mại, dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia, trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư và tham gia các hoạt động kinh doanh trên địa bàn huyện...; khuyến khích nhân dân sản xuất các loại sản phẩm phục vụ cho du lịch, dịch vụ; đồng thời phát triển các làng nghề truyền thống, các HTX dịch vụ tổng hợp, sản xuất, kinh doanh các đồ lưu niệm truyền thống dân tộc phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó, huyện đang nỗ lực thực hiện các giải pháp về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn và nguồn nhân lực; mở rộng giao lưu, hợp tác về TMDVDL với các huyện trong và ngoài tỉnh, với Trung Quốc bằng nhiều hình thức như tham gia các hội chợ thương mại, tổ chức hội đàm, giao lưu văn hóa dân tộc...
Huyện Mèo Vạc đã xác định: Đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động TMDVDL để thực sự trở thành đòn bẩy, thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ; mở rộng thị trường trong và ngoài nước, nâng cao năng lực phát triển lĩnh vực thương mại cả về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân lực; phát triển dịch vụ, du lịch toàn diện, có bước đi vững chắc, đồng thời gắn với bảo vệ quốc phòng - an ninh, tôn tạo cảnh quan và giữ gìn môi trường sinh thái; gắn với việc tổ chức các lễ hội văn hóa, lễ hội truyền thống trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện, tập trung khai thác các điểm du lịch có điều kiện thuận lợi để nhanh chóng tạo bước đột phá về hoạt động du lịch; phấn đấu đưa giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ đến năm 2015 đạt trên 320 tỷ đồng, tăng hơn 2,67 lần năm 2010; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 22%/năm; tỷ trọng thương mại, dịch vụ chiếm 38,25% trong cơ cấu kinh tế.
Từ những nỗ lực trong việc tạo ra bước đột phá về hoạt động TMDVDL, huyện Mèo Vạc đang ngày càng khẳng định vị thế chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Trên nền tảng những thành tựu đạt được, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc đang viết tiếp trang sử anh hùng.