Quảng Trị tưng bừng lễ hội A Riêu Ping
Cập nhật: 01/02/2013
Nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 27/1 vừa qua, huyện Đắk Rông, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ hội A Riêu Ping và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng.

Lễ hội A Riêu Ping hay còn gọi là lễ cải táng và phong thần, là một lễ hội truyền thống mang nét văn hóa tâm linh đặc sắc và là lễ hội lớn nhất của đồng bào Pa Cô.  

Cùng với lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội A Riêu Ping diễn ra với nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa như: lễ diễu hành và nghi lễ dâng hương; các trò chơi dân gian: hội thi bắn cung nỏ và đẩy gậy, thi đấu cồng chiêng… với mong ước dâng lên thần linh những lời ca, điệu múa, sản vật của quê hương, cầu mong một năm mới sung túc, ấm no, hạnh phúc.  

Đặc biệt, tại lễ hội vừa diễn ra, các điệu múa cồng chiêng được thể hiện cùng với các bài dân ca ngân vang bập bùng trên khắp núi rừng của dãy Trường Sơn hùng vĩ như điệu Xiêng, Kalơi, Cha chấp, A Dền, Ra Doác... là hồn văn hóa của đồng bào Pa Cô. Những điệu múa nhịp nhàng, sâu lắng trong tiếng nhạc của những chàng trai, cô gái Pa Cô bên đống lửa của ngày hội đã thu hút du khách gần xa cũng như đông đảo bà con đến xem, thưởng thức và vui chơi...    

Các già làng, trưởng bản kể rằng, cồng chiêng là phương tiện không thể thiếu trong các lễ hội, thể hiện sự giao hòa giữa con người với con người trong cộng đồng, cũng như con người với trời đất. Cồng chiêng còn trở thành nét văn hoá đặc trưng, gắn bó mật thiết với cuộc sống của đồng bào người Pa Cô.  

Từ lâu, Lễ hội A Riêu Ping được tổ chức nhằm tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ đến những người đã khuất, cũng là dịp để đồng bào các dân tộc vùng cao tỉnh Quảng Trị gặp gỡ, giao lưu, vui Xuân đón Tết. Lễ hội là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực và sáng tạo, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào trên địa bàn huyện Đắk Rông nói riêng và đồng bào các dân tộc nói chung.

CINET