Du lịch – Dịch vụ ngành kinh tế mũi nhọn của Hàm Yên
Cập nhật: 06/02/2013
Huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) cách thành phố Tuyên Quang 43km theo quốc lộ 2 về phía bắc nằm trên lưu vực sông Lô.

Thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này một quần thể hang động đẹp như động Tiên, động Thiên Đình, động Thiên Cung, động Âm Phủ, hang Thạch Sanh, hang Thần Kim Quy… Khu vực phụ cận có khu bảo tồn thiên nhiên Cham Chu, bản làng Chiềng, làng Ngõa còn gìn giữ đậm nét bản sắc văn hóa của người Dao Tiền. Hàm Yên còn được nhiều người biết đến với sự nổi tiếng của cam sành, vịt suối Minh Hương, rượu Cham Chu, gạo nếp cái, cơm lam, thịt trâu khô, mắm cá ruộng…

Nổi bật trong bức tranh du lịch Hàm Yên là những địa danh: đền Thác Cái (xã Yên Phú); đền Bắc Mục, đình Thác Cấm (thị trấn Tân Yên); rừng Cham Chu, núi Cao Đường ở trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển có thảm thực vật nguyên sinh với các loại gỗ, động vật quý hiếm, những nét nguyên bản trong văn hóa dân tộc thiểu số; quần thể ao hồ với các dãy núi, vườn cây ăn quả ở Hồ Khởn... Các điểm du lịch này có vị trí địa lý rất lý tưởng, có thể nối các địa danh với nhau tạo thành mạng lưới, các tuyến du lịch hấp dẫn.

Ngoài ra, lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Động Tiên - chợ Quê, lễ hội Đình Thác Cấm, hội Chọi trâu, các trò chơi dân gian... được tổ chức hàng năm mang đậm bản sắc của 12 dân tộc huyện Hàm Yên. Các nghề thủ công truyền thống tồn tại bao lâu nay như dệt thổ cẩm, thêu ren, đan lát..., hiện vẫn còn ở các xã Đức Ninh, Hùng Đức, Thái Sơn, Phù Lưu đã làm nên nét độc đáo cho Hàm Yên.

Nói đến Hàm Yên là nói đến thương hiệu cam sành, cây cam là một món quà của tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này. Mặc dù, là loại cây trồng truyền thống, lâu đời tại Hàm Yên nhưng trước đây việc phát triển cây cam Sành còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, sản xuất mang tính tự phát, không được đầu tư thâm canh, kỹ thuật lạc hậu, năng suất thấp. Từ năm 2000 trở lại đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo quyết liệt công tác quy hoạch, đầu tư giống, kỹ thuật do vậy diện tích và năng suất, chất lượng cam Hàm Yên đã có bước tiến rõ rệt. Cam sành hiện đã trở thành cây ăn quả chủ lực và đang được coi là cây mũi nhọn trong kinh tế nông nghiệp của huyện Hàm Yên. Năm 2012, cam sành Hàm Yên đã được công nhận là 1 trong 50 loại trái cây nổi tiếng và giá trị bậc nhất Việt Nam.

Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Hàm Yên cùng với các địa phương khác trong tỉnh, đã thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Trong đó, tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông và hệ thống nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ... đáp ứng yêu cầu khách du lịch. Huyện đã đầu tư nhiều tỷ đồng vào công tác quy hoạch, chi trả đền bù và xây dựng hạ tầng các điểm du lịch như: động Tiên, hồ Khởn, quy hoạch các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh. Bên cạnh đó, huyện luôn chú trọng thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích mời gọi các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích nhân dân làm du lịch.

Cùng với việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng là việc khôi phục các lễ hội: lễ hội Động Tiên - chợ quê; hội chọi trâu; lễ hội đình Thác Cấm, đền Bắc Mục... Ngoài ra, chú trọng phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc với mục tiêu coi văn hóa là điều kiện cốt lõi để thu hút khách du lịch. Các hoạt động văn hoá văn nghệ, các làn điệu dân ca truyền thống như hát páo dung (dân tộc Dao), hát then, hát cọi (dân tộc Tày)... đều được các đội văn nghệ không chuyên của các xã, thị trấn duy trì, biểu diễn, mang đến cho du khách những ấn tượng về nét văn hóa độc đáo làng quê. Các lễ hội như Lồng Tồng, Giã cốm (dân tộc Tày), khai nhạc (dân tộc Cao Lan)... cũng được tổ chức đều đặn hàng năm đã bổ sung thêm tiềm năng về du lịch cho huyện. Đặc biệt, khuyến khích các cơ sở tiểu thủ công nghiệp sản xuất hàng hóa để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khai thác triệt để lợi thế về tiềm năng du lịch của địa phương. Các ngành nghề truyền thống như đan lát, thêu ren, dệt thổ cẩm, dệt mành cọ,... đang phát triển mạnh mẽ tại các xã Đức Ninh, Hùng Đức, Thái Sơn, Phù Lưu và thị trấn Tân Yên. Các mặt hàng lưu niệm đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã đã trở thành món quà không thể thiếu của mỗi du khách khi đến Hàm Yên.

Để phát triển ngành Du lịch một cách bền vững, Đảng ủy và Ủy ban nhân huyện Hàm Yên luôn xác định con người là yếu tố quyết định, vì vậy, huyện luôn quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý cho cán bộ làm công tác du lịch, dịch vụ; bồi dưỡng nghiệp vụ và dạy nghề cho đội ngũ nhân viên lễ tân phục vụ để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Tất cả điều đó đã, đang và sẽ làm cho bộ mặt của Hàm Yên đổi mới từng ngày.

Baodulich.net.vn