Trong khuôn khổ Dự án Quỹ tín thác UNESCO/Nhật Bản, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản đã dành một hợp phần nghiên cứu những giá trị kinh tế - xã hội của Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.
Một buổi tọa đàm vừa được tổ chức với sự tham dự của các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi ý kiến về kết quả nghiên cứu của dự án và qua đó nâng cao sự quan tâm, hiểu biết nhằm góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhận định và đề xuất phương hướng đối với việc phát huy hiệu quả những tiềm năng của di sản.
GS Yoshiharu Tsuboi (ĐH Waseda, Nhật Bản) đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã thực hiện khoanh vùng bảo tồn Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, nhưng cần có nguồn hỗ trợ lớn hơn để tiến hành nghiên cứu sâu hơn nhằm xây dựng chiến lược quảng bá khu di tích. Bên cạnh đó, cần thiết tăng cường quan hệ giữa người dân và di sản, đưa nội dung này vào chương trình giáo dục ngoại khoá từ tiểu học đến trung học để trẻ em Việt Nam nhận thức được rằng cha ông mình đã xây dựng được những công trình vĩ đại.
Th.s Nguyễn Quang Hà, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long cho rằng tăng cường khai thác hàng lưu niệm (mũ, áo, đồ dùng sinh hoạt, vật trang trí, hiện vật phục chế…) vừa làm dịch vụ, đồng thời cũng là cách quảng bá về di sản.
Cùng với bảo tồn di sản, để Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội tỏa sáng, thu hút du khách, cần tiếp tục nghiên cứu phục dựng các lễ hội và nghi thức cung đình Thăng Long xưa như: Lễ hội Đèn Quảng Chiếu, Hội Nhân Vương, Hội Thiên Phật, Hội La Hán, Hội khánh thành bảo tháp, lễ xuất sư (xuất quân), lễ báo tiệp (mừng thắng trận), lễ tức vị (lên ngôi)…. Trong tương lai, sau khi Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được phục dựng tương đối đầy đủ, nơi đây có thể là trường quay đặc biệt để tái hiện những thước phim lịch sử, phục vụ nhu cầu tìm hiểu lịch sử của thế hệ trẻ.
Cần mở rộng liên kết giữa các công ty du lịch với Ban Quản lý khu di tích để phát triển các tour du lịch tham quan, nghiên cứu Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.