Thành phố Đà Nẵng phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn của đất nước
Cập nhật: 08/03/2013
(TITC) - Những năm qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động, ngành du lịch Đà Nẵng vẫn đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 16 tháng 10 năm 2003 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, đồng thời xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm du lịch lớn của đất nước.

Tiềm năng du lịch Đà Nẵng  

                                               Bãi biển Non Nước

Đà Nẵng nằm ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam; đồng thời là trung tâm giữa 3 di sản văn hóa thế giới (quần thể di tích Cố đô Huế, đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn). Không chỉ vậy, Đà Nẵng còn là điểm cuối của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây và là cửa ngõ ra biển Thái Bình Dương của các nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.    

Với bờ biển dài hơn 60km, Đà Nẵng có nhiều bãi biển đẹp, thoai thoải, cát trắng mịn, nước trong xanh. Biển Đà Nẵng đã được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh (năm 2005).    

Đà Nẵng còn mang nét hấp dẫn riêng biệt bởi vị thế tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, có bán đảo Sơn Trà vươn ra biển, đèo Hải Vân được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất hùng quan” hay khu du lịch Bà Nà Hills với hệ thống cáp treo đạt 2 kỷ lục thế giới và khu vui chơi giải trí trong nhà lớn nhất Đông Nam Á - Fantasy Park.  

Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều cảnh quan đẹp, Đà Nẵng còn chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc với các di tích lịch sử nổi bật như: thành Điện Hải, nơi lưu giữ dấu tích hào hùng của nhân dân Đà Nẵng trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp; bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chămpa lưu giữ những hiện vật quý của Vương quốc Chămpa hùng mạnh một thời; đình Hải Châu, ngôi đình cổ nhất tại Đà Nẵng; đình Tuý Loan, ngôi đình duy nhất còn giữ được 15 sắc phong từ thời Minh Mạng đến Bảo Đại… Ngoài ra, Đà Nẵng còn có lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức vào 19/2 Âm lịch hàng năm, thu hút hàng vạn phật tử và du khách trong cả nước về hành hương, thăm viếng.    

                                             Lễ hội Quán Thế Âm

Đến Đà Nẵng, du khách sẽ được thưởng thức nhiều món đặc sản như mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, hải sản tươi ngon; tham gia các sự kiện du lịch lớn như: cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, cuộc thi dù bay quốc tế...    

Đà Nẵng hiện có sân bay quốc tế với nhiều đường bay quốc tế trực tiếp; cảng nước sâu Tiên Sa - nơi thường xuyên tiếp nhận các tàu biển cao cấp đưa du khách quốc tế đến với Đà Nẵng. Nơi đây còn là trạm dừng chính của các tuyến xe lửa và xe khách, thuận tiện cho khách nội địa đến thành phố.  

Thực trạng phát triển ngành du lịch Đà Nẵng  

Giai đoạn 2006 – 2010, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân hàng năm của Đà Nẵng đạt 22% (tăng 8% so với kế hoạch đề ra), từ 774.000 lượt (năm 2006) lên 1.770.000 lượt (năm 2010). Doanh thu du lịch bình quân hàng năm đạt 25% (tăng 7% so với kế hoạch), từ 435 tỷ đồng (năm 2006) lên 1.239 tỷ đồng (năm 2010). Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch tăng từ 958 tỷ đồng (năm 2006) lên 3.097 tỷ đồng (năm 2010).  

Việc các đường bay quốc tế và các đường bay thuê chuyến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Đức, Úc, Mỹ,… đến Đà Nẵng ngày càng được mở rộng khiến lượng khách du lịch từ các thị trường này tăng dần. Bên cạnh đó, khách nội địa từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc cũng gia tăng mạnh mẽ và có xu hướng kéo dài thời gian lưu trú.  

Thành phố Đà Nẵng cũng đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, các công trình công cộng để phục vụ dân sinh và phát triển du lịch; đẩy mạnh các dự án đầu tư du lịch; mở rộng cơ sở lưu trú phục vụ du lịch; xây dựng hàng loạt sản phẩm du lịch mới, có sức hấp dẫn và thu hút khách du lịch; triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước; đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam với chương trình giới thiệu “Ba địa phương – một điểm đến”.  

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành du lịch Đà Nẵng vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: thiếu sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; các dự án đầu tư về du lịch - dịch vụ đăng ký nhiều nhưng triển khai chậm; du lịch đường sông chậm phát triển; chưa có đội tàu du lịch, bến tàu phục vụ du lịch đường sông; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; trình độ ngoại ngữ nguồn nhân lực tại các cơ sở phục vụ du lịch còn hạn chế.  

Phương hướng, mục tiêu phát triển du lịch Đà Nẵng    

Giai đoạn 2011 – 2015, ngành du lịch Đà Nẵng phát triển theo 3 hướng chính: phát triển du lịch biển, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái; phát triển du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; và phát triển du lịch công vụ mua sắm, hội nghị, hội thảo.  

Về công tác định hướng thị trường khách: nghiên cứu, xúc tiến thị trường, xác định đối tượng khách chủ yếu của Đà Nẵng để có hướng đầu tư, khai thác thích hợp; thống kê phân loại khách du lịch theo từng loại hình (khách mua sắm, khách nghỉ dưỡng, khách tham quan) để đáp ứng nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ của du khách; đẩy mạnh khai thác các thị trường du lịch nước ngoài nhất là khai thác khách thông qua việc mở đường bay trực tiếp; xây dựng chiến lược và có kế hoạch khai thác tốt thị trường khách Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Pháp, Anh và các khách du lịch qua tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; khai thác lợi thế đô thị loại I và là trung tâm vùng trọng điểm kinh tế miền Trung - Tây Nguyên để xúc tiến thị trường khách du lịch nội địa, khách du lịch MICE.  

Ngành du lịch Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đón được 4 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế và 3 triệu lượt khách nội địa; tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân hàng năm đạt 18%. Thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm của Đà Nẵng là các nước khu vực Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc); Đông Nam Á (Singapore, Malayxia, Thái Lan); Tây Âu (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan…); Bắc Mỹ (Mỹ, Canada); Úc và Đông Âu (Nga). Doanh thu du lịch đạt 3.420 tỷ đồng, tăng bình quân 23%, nâng tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GDP của thành phố từ 5,12% lên 7%.  

Giai đoạn 2011-2015, dự kiến, số lượng buồng khách sạn của Đà Nẵng tăng 15.487 buồng, nâng tổng số buồng khách sạn phục vụ lưu trú đến năm 2015 là 21.576 phòng, trong đó, tổng số buồng khách sạn 4-5 sao là 15.764 buồng (chiếm 73,06%).

Những nhiệm vụ chủ yếu của ngành du lịch Đà Nẵng  

Quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch: đầu tư tuyến đường lên đỉnh Sơn Trà giai đoạn 2 và các bãi tắm công cộng theo quy hoạch của thành phố; tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại bán đảo Sơn Trà; kêu gọi đầu tư các bến thuyền du lịch; xây dựng danh thắng Ngũ Hành Sơn thành khu du lịch lớn có sức hấp dẫn du khách; nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ du lịch để tăng cường hiệu quả khai thác các sản phẩm trọng điểm như: cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng…; đẩy mạnh rà soát, đôn đốc triển khai nhanh các dự án đầu tư du lịch hiện có.  

Sản phẩm du lịch: ưu tiên phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch biển chất lượng cao, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đường sông, tham quan làng nghề, làng quê, du lịch mua sắm, giải trí và công vụ; hình thành các tour du lịch mới hấp dẫn như: du lịch MICE (MICE tour), du lịch văn hóa (Culture tour), du lịch nghỉ dưỡng (Relax tour), du lịch lễ hội (Festival tour), du lịch khám phá (Discovery tour), du lịch tìm vận may (Casino tour), du lịch thể thao (Golf tour), du lịch ẩm thực (Cuisine tour), du lịch tâm linh (Religious tour), du lịch tham quan thành phố (City tour).    

Xúc tiến thị trường, quảng bá du lịch Đà Nẵng: cung cấp thông tin du lịch; tổ chức các sự kiện, famtrip, chương trình quảng bá du lịch; xuất bản ấn phẩm, website du lịch; liên kết hợp tác du lịch với các khu vực khác.    

Những giải pháp của ngành du lịch Đà Nẵng trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ du lịch  

Tổ chức và quản lý: tăng cường năng lực quản lý của Sở VHTTDL Đà Nẵng; phát huy mạnh hơn nữa vai trò tổ chức thực hiện xúc tiến du lịch của Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng; phát huy vai trò của Ban chỉ đạo du lịch, củng cố nhân sự của hiệp hội du lịch với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phối hợp liên ngành; thực hiện quản lý quy hoạch tổng thể phát triển du lịch gắn liền với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của thành phố; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển và hội nhập quốc tế.    

Cơ chế chính sách, đầu tư: khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố như: Sơn Trà, Hải Vân, Làng Vân và một số loại hình du lịch làng quê, làng nghề truyền thống…; xây dựng cơ chế hợp tác giữa khu vực công và tư nhân; xây dựng chính sách và đầu tư phát triển các loại hình du lịch mới, sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc biệt là giải trí về đêm; xây dựng khu ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí lớn; xây dựng chính sách hỗ trợ xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước, cơ chế tham gia xã hội hóa trong quảng bá xúc tiến và đào tạo du lịch; xây dựng cơ chế khuyến khích chất lượng, hiệu quả du lịch thông qua đánh giá, xếp hạng, bình chọn và tôn vinh đối với các doanh nghiệp và địa danh; phổ biến Luật Bảo vệ môi trường, Luật Du lịch và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.  

Phát triển nguồn nhân lực: rà soát, đánh giá số lượng và chất lượng nguồn nhân lực để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp; huy động đa dạng các nguồn kinh phí (ngân sách trung ương, địa phương, tài trợ trong và ngoài nước) cho công tác đào tạo; đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức và cử cán bộ chuyên viên tham gia các khóa học về du lịch ở trong và ngoài nước; Sở VHTTDL chủ trì phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề du lịch để tổ chức các chương trình đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ nhà nước và cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp du lịch; liên kết với các cơ sở đào tạo du lịch ở nước ngoài trong việc trao đổi, tập huấn công tác làm du lịch.  

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công tác xã hội hóa: tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền quảng bá; tăng cường năng lực của các tổ chức nghiên cứu và phát triển về du lịch; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế nhằm tăng cường xúc tiến quảng bá, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và nâng cao vị thế du lịch Đà Nẵng trên trường quốc tế; xây dựng website về nguồn nhân lực du lịch để cung cấp những thông tin lao động trong ngành.  

Chương trình Phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011 – 2015 là kim chỉ nam để Đà Nẵng phát huy tiềm năng, thế mạnh, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Phạm Phương